Tạo ra nhiều cơ hội học tập
Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố vừa tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, thành phố đạt được nhiều mục tiêu đề ra, nhiều mô hình học tập được thành lập, người dân đều có cơ hội học tập để nâng cao trình độ...
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN thành phố giám sát và làm việc tại Sở GD&ĐT thành phố.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thành phố, thực hiện Ðề án, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2... 90% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực về sử dụng công nghệ thông tin để tra cứu thông tin, học tập trên môi trường mạng; 90% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 30% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật…
Sở GD&ÐT thành phố phối hợp Hội Khuyến học thành phố vận động cán bộ, hội viên và người dân đăng ký xây dựng các mô hình học tập. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 235.197 gia đình học tập, 599 dòng họ học tập, 577 ấp, khu vực công nhận cộng đồng học tập, 23.936 công dân học tập… Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban MTTQVN thành phố, đề nghị: “Sở GD&ÐT thành phố cần quan tâm phối hợp thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời…”.
Ðại diện Sở GD&ÐT thành phố cho rằng việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị các phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác giảng dạy, quản lý, lưu trữ dữ liệu còn giới hạn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục giai đoạn mới hiện nay; biên chế của một số đơn vị còn thiếu, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn… Ông Nguyễn Phúc Tăng thông tin: “Hiện nay, cán bộ tại các trung tâm học tập cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm. Nơi làm việc được bố trí ở 1 góc của cơ quan nên chật hẹp, thiếu trang thiết bị... Tôi đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm và có những giải pháp hữu ích giúp các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Giám sát tại huyện Phong Ðiền, đoàn giám sát ghi nhận, những năm qua, huyện đã bố trí gần 200 triệu đồng ngân sách địa phương cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập; vận động xã hội hóa quà, tập sách, học bổng, trị giá trên 447 triệu đồng, tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn đầu năm học 2022-2023. Hội Khuyến học huyện vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu 65 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Huyện cũng tổ chức lễ phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022”, tổ chức kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ học tập suốt đời sau đại dịch COVID-19”; thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
Các trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn ở huyện Phong Ðiền phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng sầu riêng, 2 lớp tập huấn về mô hình trồng nấm bào ngư và nuôi lươn không bùn trên địa bàn huyện... Ông Võ Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Cơ sở vật chất và thiết bị cấp cho Trung tâm học tập cộng đồng xã được thực hiện từ 2010 đến nay. Qua 13 năm sử dụng, đến nay cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đã xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu dạy học cho người dân. Bên cạnh đó, tài liệu, thiết bị phục vụ nhu cầu học tập của người dân tại trung tâm học tập cộng đồng còn ít; việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân còn hạn chế…”.
Ðoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN thành phố đề nghị các cơ quan được giám sát đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” để cán bộ, người dân nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Ðồng thời, tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả; duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới.
Bài, ảnh: T.T