21/11/2024
x
+
aa
-

Tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.

 

Dự án điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh (huyện Duyên Hải), công suất 100MW do Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Trà Vinh làm chủ đầu tư, phát điện thương mại từ tháng 10/2021.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70 -75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương này cao gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh; du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng toàn ngành.

Năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các khu chức năng, hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Định An; giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Định An chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện (điện than, gió, mặt trời, sinh khối....) đạt khoảng 9GW; đến năm 2045 đạt khoảng 12GW.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; địa phương tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời và các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo... Đồng thời, đầu tư hạ tầng truyền tải điện, phấn đấu đến năm 2025 Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng.

Trà Vinh tập trung phát triển thủy sản tại các huyện, thị vùng ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 15.000ha diện tích nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh theo hướng sạch có kiểm chứng và chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 1.100ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng, cua, các loài nhuyễn thể....

Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Định An để mời gọi doanh nghiệp đầu tư; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; phát triển các dịch vụ du lịch ở vùng ven biển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển. Trà Vinh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ…

Trà Vinh có hơn 65km chiều dài đường bờ biển; có 05/09 đơn vị hành chính cấp huyện nằm ven biển với tổng diện tích hơn 1.500km2, chiếm gần 65% diện tự nhiên toàn tỉnh. Từ lợi thế này, những năm qua, Trà Vinh được Trung ương hỗ trợ đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tầm quốc gia trên địa bàn để giúp tỉnh khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.

Tỉnh có Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông, nối liền cảng Cái Cui. Đây là công trình giúp Trà Vinh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế thông qua con đường vận tải biển và là điều kiện thuận lợi để hàng hóa nông sản thế mạnh của tỉnh Trà Vinh tiếp cận thị trường trong nước, các nước tiểu vùng sông MeKong và các nước cộng đồng kinh tế ASEAN.

Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu Kinh tế Định An, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng công nghiệp địa phương nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với gần 34.000ha nuôi trồng và gần 1.200 tàu đánh bắt…

Về ngành điện, đến nay, tỉnh có 04 nhà máy nhiệt điện, với tổng  công suất gần 4.500MW; 09 dự án điện gió tổng công suất 666MW; 01 nhà máy điện mặt trời công suất khoảng 140MW. Tỉnh đang đề nghị Trung ương bổ sung 17 dự án điện gió, công suất 2.400MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; đang kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 46.505,13MW tiềm năng vào Quy hoạch điện VIII; trong đó, công suất điện gió 33.787MW; điện mặt trời 7.587MW; điện sinh khối 110MW; điện rác 21,3MW; điện khí 5.000MW.

Bài, ảnh: THANH HÒA

Top