15/01/2025
x
+
aa
-

Thúc đẩy tầm nhìn dài hạn cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị thúc đẩy tầm nhìn dài hạn cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc Hội nghị .

Ngày 12/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng diễn ra Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (VCĐC) toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương (APGN 8) với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC".

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng; đại diện UNESCO, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và một số địa phương cùng hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế.

Tại Phiên khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chia sẻ: Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Từ đó đến nay, Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới. Tháng 9/2022, tại Hội nghị APGN lần thứ 7 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Satun, Thái Lan, CVĐC Non nước Cao Bằng vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN lần thứ 8. Việc đăng cai Hội nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị. 

Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị, trong đó 102 di tích được xếp hạng (03 di tích Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp Quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật Quốc gia, hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được tư liệu hoá, trong đó có 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

CVĐC Non nước Cao Bằng là nơi lưu giữ những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi trên 500 triệu năm của trái đất. Hoạt động địa chất qua hàng trăm triệu năm đã kiến tạo nên dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức độc đáo, đa dạng, cùng với hệ thống hang động, sông ngòi phong phú, trong đó nổi bật là thác Bản Giốc; Danh thắng động Ngườm Ngao; Quần thể hồ Thăng Hen với hệ thống hang động ngầm có giá trị quan trọng trong nghiên cứu khoa học,… Bên cạnh đó, nơi đây còn chứa đựng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm....

Đến với CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành địa chất và nền văn hóa đậm đà bản sắc thông qua bốn "tuyến đường trải nghiệm" với những giá trị đặc trưng, riêng biệt. Tỉnh Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Di sản CVĐC toàn cầu là tài sản vô giá của loài người, hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã góp phần tích cực vào bảo vệ trái đất và nhân loại cho hành tinh. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, quản lý, học giả từ các nước CVĐC có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt xây dựng và kết nối du lịch CVĐC giữa các quốc gia trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới; gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch hướng đến sự phát triển bền vững.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên cho biết: Hội nghị diễn ra tại thời điểm Cao Bằng và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề về thiên tai do áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 3 gây ra sạt lở, lũ quét ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của con người.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong công tác chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức Hội nghị và nỗ lực cao trong công tác khắc phục những tổn hại nghiêm trọng từ siêu bão Yagi.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Bà Lidia Brito cho rằng: Nhiệm vụ đặt ra cho các thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đến với hội nghị không chỉ tham gia diễn đàn thảo luận, trao đổi, chia sẻ, học tập từ "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC", mà còn phải thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với xây dựng các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại. Nhấn mạnh việc chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ cấp bách cho CVĐC của mỗi quốc gia. Bởi chống biến đổi khí hậu là một hành trình dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của các quốc gia trên thế giới trong đó có các nước có danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO; phải có kế hoạch chung hướng đến giảm phát thải trên toàn cầu, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa vì thế hệ hôm nay và mai sau. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một mô hình CVĐV có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả và mới cách đây 2 ngày, CVĐC tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) vừa được Hội đồng chuyên gia quốc tế biểu quyết gia nhập Mạng lưới.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO là tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc về lĩnh vực khoa học trái đất; tích cực thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, mạng lưới CVĐC toàn cầu còn là cộng đồng tăng cường gắn kết giữ gìn và bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc biệt - di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì sự phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực. Ngay trước thềm hội nghị Việt Nam đã hứng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Thảm họa thiên tai đưa ra vấn đề cấp bách phải có giải pháp, chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho biết: Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên tinh thần đó, đề nghị Hội nghị cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC vì phát triển bền vững; tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC toàn cầu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển CVĐC toàn cầu gắn với phát triển bền vững; thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.

Sau Phiên khai mạc sẽ diễn ra các phiên hội thảo chuyên đề; Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

TT

Other news

Hải Phòng: Diễn tập đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc
(ĐCSVN) - Ngày 26/9, Ban chỉ đạo 35 TP Hải Phòng đã tổ chức Diễn tập đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội năm 2024.
Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một
(ĐCSVN) - Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký Quyết định 2787/QÐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS&MN năm 2024 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tri ân tấm gương yêu nước của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Nhân dân khắp nơi về thành phố Rạch Giá, nơi có đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị Anh hùng dân tộc.
Sớm hoàn thiện, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá
(ĐCSVN) - Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2025-2035 sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Những thanh âm Hà Nội trong sáng tác của Nguyễn Thành Trung
(ĐCSVN) - Với tác phẩm “Thanh âm Hà Nội” giới thiệu tới người yêu nhạc vào ngày 26/9, được phát hành trên nền tảng số của các kênh âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm lời tri ân và tình cảm của mình tới mảnh đất Thủ đô – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm – nơi một người con Hà Nội như anh luôn có những hoài cảm trước một Hà Nội đổi thay từng ngày. Đồng thời cũng là món quà âm nhạc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của nhạc sĩ.
Top