01/07/2025
x
+
aa
-

Tín hiệu lạc quan sau đàm phán thương mại Mỹ - Trung 

Kết thúc vòng đàm phán tại thủ đô London (Anh), các quan chức Mỹ - Trung Quốc đã nhất trí về nguyên tắc đối với khuôn khổ thực hiện thỏa thuận đình chiến thương mại mà 2 bên đạt được trong vòng đàm phán trước tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu về một giải pháp lâu dài cho những bất đồng thương mại lâu đời.


Các quan chức Mỹ và Trung Quốc tham gia vòng đàm phán thương mại tại dinh thự Lancaster House ngày 9-6. Ảnh: Getty Images

 

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra dưới sự thúc giục của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm củng cố cam kết mà Trung Quốc đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại vào tháng trước về việc nới lỏng các lô hàng xuất khẩu đất hiếm. Ðiều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước đó, thỏa thuận Geneva bị đình trệ do Trung Quốc tiếp tục hoãn xuất khẩu nhiều loại khoáng sản và nam châm đất hiếm, buộc chính quyền Tổng thống Trump đáp trả bằng cách kiểm soát các lô hàng phần mềm thiết kế chất bán dẫn, ngăn chặn xuất khẩu phụ tùng động cơ phản lực, hóa chất và vật liệu hạt nhân sang đại lục. Diễn biến này cho thấy đòn bẩy mạnh mẽ của Trung Quốc dựa trên sự thống trị đối với chuỗi cung ứng đất hiếm đã phát huy tác dụng, đặc biệt khi các công ty Mỹ liên tục phàn nàn về mối đe dọa của tình trạng thiếu nam châm khiến Tổng thống Trump phải điện đàm cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong cuộc họp báo riêng sau đàm phán, Ðại diện Thương mại Quốc tế Lý Thành Cương cho biết về nguyên tắc, Trung Quốc và Mỹ đã đạt khuôn khổ thực hiện nội dung đã thống nhất giữa lãnh đạo 2 nước trong cuộc điện đàm ngày 5-6; cũng như sự đồng thuận có được tại cuộc họp ở Geneva vốn để giảm bớt thuế quan trả đũa song phương lên tới 3 chữ số. “Chúng tôi hy vọng những tiến triển đạt được sẽ có lợi cho việc xây dựng lòng tin hơn nữa giữa Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương” - ông Lý bày tỏ.

Không tiết lộ chi tiết thỏa thuận, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thông tin thêm rằng cả 2 đều đồng ý dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lẫn nhau đối với hàng hóa và công nghệ quan trọng. Trong đó, những hạn chế của Trung Quốc đối với xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và nam châm sang Mỹ sẽ được giải quyết như một phần “cơ bản” của thỏa thuận khung. Ðổi lại, chính quyền Trump có thể nới lỏng các hạn chế trả đũa nhằm vào một số vi mạch cần thiết cho hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett dự đoán Washington nhiều khả năng sẽ duy trì kiểm soát đối với các sản phẩm chip mạnh nhất có khả năng cung cấp năng lượng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà sản xuất Nvidia.

Theo các nhà phân tích, kết quả đàm phán tại London có thể ngăn thỏa thuận Geneva đổ vỡ do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trái chiều, nhưng không giúp giải quyết những bất đồng sâu sắc về thuế quan đơn phương của chính quyền Trump cũng như phàn nàn lâu nay của Mỹ về mô hình kinh tế hướng xuất khẩu do nhà nước dẫn dắt mà Trung Quốc áp dụng. Trước đó, việc 2 bên rời Geneva với quan điểm cơ bản khác nhau về các điều khoản của thỏa thuận cho thấy ưu tiên hiện nay là phải có cái nhìn cụ thể hơn về các hành động cần thiết, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Ðịa kinh tế thuộc Hội đồng Ðại Tây Dương Josh Lipsky nhận xét.

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc có thời gian cho đến ngày 10-8 để đàm phán thỏa thuận toàn diện hơn nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại, nếu không mức thuế quan sẽ tăng trở lại từ khoảng 30% lên 145% từ Mỹ và 10% lên 125% đối với phía Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Other news

Năng lực làm giàu uranium của Iran hậu xung đột 
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran có thể tái khởi động hoạt động làm giàu uranium “chỉ trong vài tháng”, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ đã khiến chương trình hạt nhân nước này bị chậm lại nhiều thập niên.
Israel kỳ vọng giải cứu con tin tại Gaza sau “chiến thắng” với Iran
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ lạc quan về cơ hội giải cứu các con tin đang bị Hamas giam giữ tại Gaza sau 'chiến thắng' trong cuộc giao tranh với Iran kéo dài 12 ngày qua.
Iran đề nghị Israel và Mỹ phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột 12 ngày
Iran yêu cầu Liên hợp quốc công nhận Israel và Mỹ 'là những bên khởi xướng hành động xâm lược và thừa nhận trách nhiệm tiếp theo của họ, bao gồm cả việc bồi thường và bồi thường thiệt hại.'
Mỹ nỗ lực ngăn Trung Quốc phát triển hải cảng 
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho thấy, các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng hoặc vận hành 31 cảng đang hoạt động ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe
Trung Quốc phát triển UAV siêu nhỏ 
Trung Quốc vừa công bố mẫu máy bay không người lái (UAV) có kích thước bằng con muỗi được thiết kế để phục vụ các hoạt động quân sự bí mật và gián điệp, qua đó làm dấy lên báo động về hậu quả tiềm tàng của loại UAV này nếu nó rơi vào tay kẻ xấu.
Top