21/11/2024
x
+
aa
-

Truyền thông kiến thức về HIV đến sinh viên 

Qua giám sát trọng điểm những năm gần đây, HIV không còn khu trú trong nhóm mại dâm, ma túy như trước đây, mà tập trung trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), nhóm sinh viên, công nhân trẻ... Từ thực tế đó, TP Cần Thơ đã đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, dịch vụ dự phòng, điều trị trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn.

Đoàn công tác trao đổi với Đội tiếp cận viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ hoạt động cấp phát gel, bao cao su.

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 6 trường đại học và 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với khoảng 130.000 sinh viên (SV). Qua thống kê 6 tháng đầu năm 2024, học sinh, SV chiếm 16,5% số ca nhiễm HIV mới phát hiện. Thạc sĩ Phạm Nguyễn Anh Thư, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ cho biết: Từ năm 2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là CDC Cần Thơ) phối hợp các trường hình thành 6 nhóm/đội tiếp cận viên làm nòng cốt tổ chức các hoạt động tại 6 trường. Đến nay, đã tăng lên 13 trường đại học, cao đẳng, trung cấp có nhóm/đội tiếp cận viên với 62 thành viên. Nhiệm vụ của các nhóm/đội tại các trường là thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm học sinh, SV các trường định kỳ 2-3 năm/lần. CDC Cần Thơ sẽ đào tạo/đào tạo lại cho đội ngũ tiếp cận viên cũng như lực lượng SV nòng cốt; hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại các trường. Phối hợp Ban giám hiệu sinh hoạt kiến thức HIV/AIDS cho SV mới; triển khai giảng dạy các môn/tiết học về phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp các trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức HIV/AIDS; tổ chức các sự kiện truyền thông; kết nối chuyển gửi khách hàng có phản ứng làm xét nghiệm khẳng định và điều trị kịp thời...

Cuối tháng 6-2024, Nhóm tiếp cận viên Phòng, chống HIV/AIDS của Trường Đại học Cần Thơ tổ chức truyền thông cho hơn 300 SV. Bạn Nguyễn Hoàng Huy, nguyên là Trưởng Nhóm tiếp cận viên, hiện nay là Trưởng Nhóm CBO Phương Nam, đã cung cấp các kiến thức về HIV một cách rất dí dỏm, qua hình thức vừa cung cấp thông tin, vừa hỏi đáp - tặng quà SV. Các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cung cấp thêm kiến thức về phòng, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Ban tổ chức sự kiện cũng bố trí 1 phòng để tư vấn, xét nghiệm HIV cho các SV có nhu cầu.

GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Phòng Công tác sinh viên, Phòng Công tác chính trị, Đoàn thanh niên, Hội SV trường… phối hợp CDC Cần Thơ, các tổ chức quốc tế như CDC Hoa Kỳ, các dự án tổ chức các hoạt động, chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần của SV. Nhà trường cũng có Nhóm tiếp cận viên làm nòng cốt cho các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS. 

Nhóm tiếp cận viên Phòng, chống HIV/AIDS Trường Đại học Cần Thơ hình thành vào năm 2017 với 6 thành viên. Đến nay, nhóm có 16 người, đa phần là cán bộ Đoàn ở các trường trực thuộc, các khoa. Các tiếp cận viên được CDC Cần Thơ tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông, tư vấn, xét nghiệm… Hằng quý, nhóm định kỳ thực hiện các cuộc truyền thông, kết hợp cấp phát bao cao su, gel bôi trơn, tư vấn xét nghiệm HIV, chuyển gởi điều trị… Ngoài truyền thông trực tiếp, nhóm truyền thông thường xuyên trên fanpage… đến với SV. Trường có hơn 45.000 SV nên việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện truyền thông về HIV thường có quy mô lớn, có sự tham gia của người nổi tiếng, thu hút rất đông SV tham dự. 

Còn Đội tiếp cận viên Phòng, chống HIV/AIDS của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ dù chỉ có 4 thành viên, nhưng tổ chức nhiều mô hình khác nhau: truyền thông trực tiếp, phát vật phẩm; tư vấn cá nhân 1 + 1, xây dựng kênh truyền thông… Mỗi tháng, Đội tổ chức 2 cuộc truyền thông nhóm với trên 20 SV tham gia; trang bị bàn phát vật phẩm theo nhu cầu, mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6 (khung giờ từ 8 giờ 50 - 9 giờ 20; 14 giờ 50 - 15 giờ 20); bàn tư vấn cá nhân tại Văn phòng Đoàn trường; hotline 0978 130 801 tư vấn trực tiếp; truyền thông qua phát thanh, fanpage, poster và tổ chức livestream với sự tham gia của các chuyên gia; tổ chức các cuộc thi, sự kiện, talkshow…

Trong 2 ngày 24 và 25-9-2024, đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS; đại diện CDC tỉnh Thái Nguyên, TP Hải Phòng; đại diện Trường Đại học Hàng Hải (TP Hải Phòng), Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghiệp (tỉnh Thái Nguyên) đến chia sẻ kinh nghiệm tại Cần Thơ. Đây là 2 trường đại học được Cục Phòng, chống HIV/AIDS chọn thí điểm mô hình truyền thông HIV/AIDS trong trường đại học. Anh Lê Hoàng Dương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Hàng Hải cho biết: HIV là vấn đề vấn đề “nhạy cảm”, nhắc đến HIV, nhiều trường còn tâm lý e ngại. Từ tháng 5-2024, với sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh, nhà trường thành lập nhóm tiếp cận viên. Ở Cần Thơ, các trường đã thành lập từ lâu và tổ chức các hoạt động rất phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo SV tham gia. Những kinh nghiệm của các trường ở Cần Thơ giúp chúng tôi, các đơn vị đi sau, tiếp cận nhanh và chuẩn hơn.

Bài, ảnh: H.HOA

Top