Tưng bừng lễ hội múa trống mừng năm mới của người Giáy
Lễ hội múa trống vào năm mới là nét văn hóa độc đáo của người Giáy tại Hà Giang |
Lễ hội múa trống của người Giáy được coi là độc nhất vô nhị tại vùng phía Bắc của đất nước ta. Mỗi năm, lễ hội được tổ chức đúng một lần duy nhất vào những ngày đầu năm mới. Trong văn hóa người Giáy, múa trống được coi là dịp để người Giáy tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm.
Lễ hội múa trống hay còn được gọi là lồng trống theo cách của người Giáy là một sinh hoạt cộng đồng của bản làng. Bởi theo quan niệm của họ, năm mới là lúc đất trời giao hòa, con người cùng chung “nhịp thở” với thiên nhiên, cho nên, tiếng trống rộn ràng sẽ xua đuổi hết điều xấu, chào đón niềm vui, hạnh phúc đến cho bản làng. Vì vậy, múa trống không đặt nặng về hình thức, cầu kì, xa hoa mà được người Giáy tổ chức đơn giản, ấm cúng giữa những người trong làng với nhau.
Để chuẩn bị cho lễ hội múa trống, thông thường, từ cuối năm, trưởng thôn đã tập hợp dân làng cùng mọi người bàn bạc với thầy cúng để thu xếp cho lễ hội đón năm mới. Lễ vật được người Giáy chuẩn bị đa dạng, phong phú gồm có gà, bánh chưng, thịt treo, rượu, hương,… là những sản vật địa phương, “cây nhà lá vườn” nhưng mang đậm tư sắc của vùng cao. Đồng thời, thầy cúng – người hay chữ, hiểu nhiều, biết rộng được bà con trong bản yêu mến nhờ viết những câu đối tết để treo trong miếu Bà.
Nhắc đến miếu, theo quan niệm của người Giáy, có miếu Ông, miếu Bà, đó là nơi mà trống thiêng ngự tọa. Trống thiêng của dân tộc Giáy tại Mèo Vạc được làm từ gỗ của những cây cổ thụ, dài, to, nặng, hai mặt được bít bằng da bò. Muốn khiêng trống, phải 3 – 4 thanh niên trai tráng trong làng làm mới xuể. Trống một năm chỉ được dùng một lần vào dịp Tết Nguyên Đán. Trống cũng là của cải chung của buôn làng, không phải của bất kỳ ai. Nếu muốn lấy trống, phải được các già làng, trưởng thôn, cùng đội ngũ đến dâng hương xin vào dịp Tết.
Sáng mùng một hàng năm, từ sớm, thầy cúng đã mặc trang phục chỉnh tề, cùng thanh niên, trai tráng chưa vợ trong làng mang những mâm cúng đến miếu Bà, lễ vật gồm có bánh chưng, một đôi gà có cả trống lẫn mái, hương, hoa quả,… Tại đây, họ bắt đầu thành kính làm lễ xin trống. Lễ xin trống được diễn ra bằng cách dâng lên vật phẩm, sau đó, thầy cúng và đội rước trống sẽ thắp hương mời Bà về dự lễ và xin phép được hạ trống.
Trống được hạ xuống đặt bên cạnh mâm cúng, thầy cúng đọc lời khấn mong cho buôn làng được một năm mới ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa. Sau khi đọc xong, trống thiêng được thầy cúng gõ ba lần, nghi lễ tại miếu Bà kết thúc. Trống bắt đầu được đoàn rước khiêng đi, với người dẫn đầu là thầy cúng cầm hương. Trong văn hóa người Giáy, tiếng trống thiêng có thể truyền tải lời thỉnh cầu của con người đến với các đấng thần linh. Nhờ đó, người dân trong buôn làng sẽ có một năm được bảo hộ bởi Ông, Bà.
Trống được khiêng đi đến từng nhà, tiếng trống đến nhà nào, nhà đấy sẽ gặp được may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Để đáp lại đoàn rước trống, gia chủ sẽ vui vẻ đi ra, mời đồ ăn, thức uống, đó chỉ là những món như bánh trưng, thịt treo, rượu,… Dù có muộn đến thế nào, hôm đó đoàn rước trống thiêng cũng sẽ đi đến từng nhà, tiếng trống thay lời chúc phúc đầu năm, nhà nhà đều hoan hỉ đáp lại. Trống thần càng đi xa, đoàn rước càng dài, càng nô nức. Bà con trong buôn, già trẻ lớn bé hòa chung niềm vui năm mới, không khí ngày Tết càng thêm rộn ràng, náo nhiệt.
Khi đã đi hết các nhà, đoàn rước trống quay về miếu Ông, tại đây, thầy cúng đọc lời khấn, báo cáo việc làm của buôn làng trong suốt một năm nay. Cuối cùng kết thúc bằng việc dán câu đối lên mặt trống, cầu chúc một năm mới “thuận buồm, xuôi gió”. Đến lúc này, những thủ tục với tổ tiên, thánh thần tại các miếu cơ bản đã hoàn thành, mọi người nô nức chuẩn bị xem gõ trống, thầy cúng chỉ định một đôi nam nữ lên nhận dùi trống và thay thầy gõ nhịp. Trai gái trong làng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, lần lượt nối theo nhau múa vòng quanh trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn, nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Cùng lúc đó, thầy cúng khấn và dâng lên thần linh những ước vọng của dân làng, như cầu được mùa; trâu bò không bị dịch bệnh; người không ốm đau, làm ăn gặp nhiều may mắn; nhà nhà đủ ăn, đủ mặc, có nhiều thóc, lúa, ngô, khoai,…
Sau khi xong các nghi lễ xong, thầy cúng đại diện cho dân làng khấn tạ ơn, tiễn thần linh về trời và tuyên bố đến giờ vui hội múa trống mừng năm mới. Người dân hòa vào đám hội, cùng múa và rót rượu chung vui. Những mâm lễ của các gia đình được mang ra, họ cùng mời nhau chén rượu đầu năm, cùng múa chung một điệu múa trống, hát cùng nhau những bài hát đối, giao duyên,... Tới chiều muộn, các gia đình mới trở về nhà mình. Khi đó, những thanh niên được giao tiếp quản trống lại một lần nữa cùng nhau khiêng trống đến từng nhà trong thôn. Đến trước cửa mỗi gia đình, nhịp trống lại vang lên cùng với những lời chúc phúc cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn.