04/04/2025
x
+
aa
-

Ứng xử với trò tiêu khiển vô bổ

Trong bài đăng trên mạng xã hội, một MC truyền hình khá nổi tiếng đã đưa ra so sánh rằng: “Một đêm cuối tháng 3, trong khi các nhà khoa học trẻ ở Hàn Quốc đang công bố công trình mới về AI, sinh viên Đức thảo luận trong diễn đàn về chính sách nhập cư và bạn trẻ Singapore kêu gọi giảm tiêu dùng sản phẩm nhựa qua một chiến dịch xanh,... thì tại Việt Nam, gần 4,8 triệu lượt người (đa phần là người trẻ) đã theo dõi một phiên livestream “đối chất tình cảm” giữa một streamer và một rapper lúc 1 giờ sáng”. Cũng theo MC này, đó là cuộc trò chuyện mang màu sắc đời tư, thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng lại trở thành trung tâm chú ý suốt nhiều giờ trong nhiều ngày liền.

Ảnh minh họa

Phiên livestream “drama tình ái” gây bão trên mạng xã hội những ngày qua đã dấy lên lo ngại về thị hiếu của giới trẻ và thời gian nhàn rỗi đổ vào những thứ vô bổ thay vì thực sự có giá trị, chẳng hạn như đổi mới sáng tạo, đầu tư học tập làm chủ tương lai hoặc dành sự chú ý đến những cá nhân cống hiến, gương tốt thầm lặng. Rốt cuộc, câu chuyện kịch tính ấy chẳng đi tới đâu, chẳng giúp gì được cho người theo dõi mà những tranh cãi cá nhân mang yếu tố tình cảm chỉ làm kiệt quệ cảm xúc người xem, mất thời giờ và tiền bạc vô ích.

Trong khi streamer bị réo tên dường như thản nhiên, không im lặng né tránh thị phi mà chủ động “book lịch” mở phiên livestream đối chất và liên tục sau đó là chuỗi nội dung làm rõ, cập nhật tình hình mới như một chiến thuật kịch bản liên hoàn. Streamer không quên bật chế độ bình luận, phản bác có thu phí và đã kiếm về số tiền không nhỏ.

Những nhân vật còn lại cũng tận dụng triệt để cơn bão truyền thông để ra MV mới thu hút hàng triệu lượt xem, có người ra mắt demo ca khúc mới, có người tăng lượt xem và theo dõi trên TikTok. Chỉ có khán giả là chưng hửng, thậm chí hụt hẫng vì bị cuốn vào thị phi độc hại không hề mang tính giải trí.

Đây là lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Mạng xã hội có đang giúp người trẻ phát triển tư duy phản biện, học hỏi những điều bổ ích hay chỉ là nơi ngồi hóng drama? Đâu là nội dung chúng ta mong đợi và cần hướng tới? Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài kiểm soát hành vi của những người làm nội dung bất chấp hình ảnh cá nhân, thiếu tôn trọng khán giả để tạo scandal, drama, phát ngôn dung tục, phản cảm nhằm tăng lượng tương tác để kiếm tiền từ các hoạt động quảng cáo, bán hàng./.

Kha Nguyên

Top