25/03/2025
x
+
aa
-

Viêm - “con dao hai lưỡi” đối với sức khỏe 

Tình trạng viêm vốn được biết là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim và dị ứng. Các chuyên gia tuổi thọ thậm chí còn coi việc giảm viêm mãn tính là “chìa khóa” để có quá trình lão hóa khỏe mạnh hơn. Vậy viêm có thực sự chỉ gây hại cho cơ thể?

Chế độ ăn giàu thực vật, chất béo tốt giúp kháng viêm hiệu quả. Ảnh: Hopkinsmedicine.org

Viêm là gì?

Tiến sĩ Robert Shmerling, chuyên gia thấp khớp tại Trường Y Ðại học Harvard (Mỹ), cho biết về bản chất, viêm là phản ứng của cơ thể trước bệnh tật hoặc chấn thương nhằm cố gắng phục hồi sức khỏe. Còn theo Tiến sĩ David Hafler, chuyên gia thần kinh học và miễn dịch tại Trường Y thuộc Ðại học Yale (Mỹ), thì viêm là “con dao 2 lưỡi kinh điển” đối với sức khỏe tổng thể.

Tiến sĩ Moshe Arditi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (Mỹ), khẳng định tình trạng viêm cần thiết cho sự sống của chúng ta. Bởi nếu không có nó, cơ thể không thể chống lại những kẻ xâm nhập như virus và vi khuẩn. Ví dụ, khi chúng ta bị đau và đỏ họng, thì đó là vì hệ miễn dịch đang phản ứng để chống lại nhiễm trùng, ngăn nó lây lan. Các bác sĩ gọi trường hợp này là viêm cấp tính và là phản ứng có lợi.  

Tình trạng viêm đã được phát hiện từ nhiều thế kỷ trước. Aulus Cornelius Celcus, một thầy thuốc nổi tiếng của La Mã cổ đại, là một trong những người đầu tiên định nghĩa về viêm, khi mô tả các dấu hiệu viêm đặc trưng bằng những từ ngữ trong tiếng La-tinh có nghĩa là: “đỏ, sưng, nóng và đau” và chúng vẫn đúng cho đến ngày nay.

Ở cấp độ vi mô, tình trạng viêm cấp tính bao gồm việc cơ thể “gửi” chất lỏng, prôtêin và tế bào bạch cầu đến các vị trí bị nhiễm trùng hoặc chấn thương, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh lạ và thúc đẩy quá trình chữa lành. Nếu diễn ra trong thời gian ngắn, tình trạng viêm có thể cứu sống cơ thể. Nhưng nếu diễn ra lâu dài - gọi là viêm mãn tính, thì nó có thể gây tổn hại cho cơ thể.

Những nguyên nhân gây viêm mãn tính

Theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ phổ biến khiến cơ thể dễ bị viêm mãn tính gồm: béo phì, thói quen hút thuốc lá và chế độ ăn uống kém lành mạnh, chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện, chất béo chuyển hóa và tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ (bò, cừu, heo). Theo Tiến sĩ Thaddeus Stappenbeck, Chủ nhiệm khoa viêm và miễn dịch tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ), việc ít tập thể dục, thiếu ngủ hay quá căng thẳng tinh thần cũng là những yếu tố nguy cơ về lối sống có liên quan đến tình trạng viêm.

Vì vậy, việc thực hiện biện pháp giảm cân, tập thể dục thường xuyên và tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp giảm mức độ viêm trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng việc theo đuổi chế độ ăn Ðịa Trung Hải, chứa hàm lượng cao trái cây, rau củ, đậu, các loại hạt, dầu ôliu và cá, có thể làm giảm mức độ viêm.

Viêm và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Tuy nguyên nhân gây ra bệnh mãn tính rất phức tạp, nhưng các chuyên gia ngày càng tin tưởng rằng tình trạng viêm đóng một vai trò nhất định đối với rủi ro sức khỏe này. Vì khi cơ thể ở trạng thái viêm, nó có thể bắt đầu phá hủy chính những thứ cần thiết để hoạt động bình thường, bao gồm cả các cơ quan quan trọng và mạch máu.

Tiến sĩ Arditi cho biết việc cơ thể đang bị viêm có thể dẫn đến bệnh tim và hình thành mảng bám trong mạch máu, tình trạng có liên quan đến đau tim và đột quỵ. Còn viêm kéo dài trong bộ não có thể làm phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh, bằng cách làm tổn thương các tế bào thần kinh và can thiệp vào chức năng bình thường của não.

Trong khi đó, các rối loạn tự miễn như bệnh Lupus hoặc bệnh đa xơ cứng cũng liên quan đến tình trạng viêm mãn tính, khi hệ miễn dịch bắt đầu tấn công các bộ phận khác nhau trong cơ thể. “Cơ thể không phân biệt giữa chính nó và kẻ xâm nhập bên ngoài hoặc tác nhân gây bệnh”, Tiến sĩ Shmerling giải thích.

AN NHIÊN (Theo NBC News)    

 

Other news

Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi và tiêm chủng bù liều 
(CT) - Chiều 24-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccin phòng, chống dịch sởi năm 2025, tiêm chủng bù liều cho trẻ
Người trẻ bất ngờ đột tử, dấu hiệu nào nhận biết sớm?
Thời gian qua, không ít câu chuyện đáng buồn về sự ra đi đột ngột của những người trẻ. Trong đó có những người trẻ chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi hay chỉ ngoài 30 tuổi ra đi vì đột tử, đột quỵ.
Chung tay đẩy lùi bệnh lao
Nhằm chung tay cùng cả nước thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Vận hành quy trình khẩn cứu sống bệnh nhân ngưng tim trên xe cấp cứu 
Mới đây, một bệnh nhân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã được cứu kịp trong tình trạng nguy kịch, nhờ người thân liên hệ với đội cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện (BV) Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.
Tập thể dục ngắn cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể 
Vì nhiều lý do như công việc bận rộn hoặc có thể chất đặc biệt, nhiều người khó đảm bảo đủ thời lượng vận động thể chất hằng ngày.
Top