19/07/2025
x
+
aa
-

Vụ lúa Thu Đông 2025 - Nhiều kỳ vọng nhưng cũng lắm nỗi lo

Sau khi thu hoạch vụ Hè Thu sớm, nông dân trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị bước vào sản xuất vụ lúa Thu Đông 2025.
Sau khi thu hoạch vụ Hè Thu sớm, nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tất bật chuẩn bị bước vào sản xuất vụ lúa Thu Đông 2025. Thế nhưng, bên cạnh sự khẩn trương vào vụ, không ít nông dân vẫn canh cánh nỗi lo về đầu ra nông sản, giá cả, thời tiết và chi phí đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ xã Tuyên Bình) bơm nước để chuẩn bị gieo sạ 2,2ha lúa (giống OM18). “Tôi làm sớm để né mưa lớn vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Giống thì vẫn chọn OM18 nhưng vụ này tôi hơi lo vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công đều cao, đầu ra thì vẫn bấp bênh” - ông Hòa bộc bạch.

Ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất lúa giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng lúa

Cách đó không xa, bà Lê Thị Phượng đã xuống giống được gần 10 ngày. Cánh đồng lúa non mướt xanh đang trong giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh. Bà Phượng cho biết: “Vụ này tôi sạ 1,2ha, cũng chọn giống ngắn ngày. Bây giờ, lo nhất là sâu cuốn lá và ốc bươu vàng. Tôi theo dõi sát nhưng thấy lúa còn yếu, phân bón giá quá cao nên tôi phải cân nhắc kỹ từng lần bón. Mong thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định”.

Không riêng gì người dân, các hợp tác xã (HTX) cũng đang gấp rút chuẩn bị sản xuất vụ mới. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tiên Phong (xã Vĩnh Hưng) Nguyễn Văn Tám cho biết, năm nay, HTX tổ chức sản xuất gần 100ha lúa Thu Đông, hiện có hơn 40% diện tích làm đất xong, một số thành viên chuẩn bị xuống giống lúa trong tuần tới.

“Chúng tôi hướng dẫn các thành viên tiếp tục áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD), dùng giống có năng suất, chất lượng cao, đồng thời chủ động phòng trừ sâu, bệnh từ sớm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá vật tư đầu vào vẫn cao, còn đầu ra thì chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng bao tiêu” - ông Tám cho biết thêm.

Thông tin từ Chi cục Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đang phối hợp các địa phương theo dõi sát lịch thời vụ và tình hình sinh vật gây hại, đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch gieo sạ tập trung, né rầy, không sạ kéo dài để tránh dịch hại bùng phát. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các mô hình canh tác tiết kiệm nước, bón phân hợp lý, sử dụng giống ngắn ngày có khả năng kháng sâu, bệnh tốt để thích ứng với thời tiết.

Trong tuần qua, toàn tỉnh gieo sạ thêm 915ha, tổng diện tích lúa Thu Đông 2025 lũy kế đến ngày 15/7/2025 là 28.909ha, chủ yếu tập trung ở các xã Hậu Thạnh, Nhơn Hòa Lập, Nhơn Ninh, Tân Thạnh, Khánh Hưng, Tuyên Bình. Tuy vậy, vấn đề nông dân và HTX quan tâm nhất hiện nay vẫn là giá nông sản sau thu hoạch. Thực tế cho thấy, vụ lúa Hè Thu đang thu hoạch cho năng suất tốt nhưng giá lúa lại giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5.800-7.000 đồng/kg, lợi nhuận chỉ còn khoảng 6-10 triệu đồng/ha, thậm chí một số hộ còn thua lỗ sau khi trừ chi phí thuê đất và đầu tư.

Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với HTX, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, đạt chuẩn để tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định vụ Thu Đông là vụ ngắn ngày nhưng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt lịch thời vụ và dịch hại hoặc sản xuất tự phát thì rủi ro cao. Vì vậy, Sở đang chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và thị trường, đặc biệt là phát huy vai trò liên kết của HTX”./.

Bùi Tùng

Top