13/07/2025
x
+
aa
-

Ấn, Trung thận trọng cải thiện quan hệ 

Sau nhiều năm căng thẳng biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc dường như đang dần tiến tới “cài đặt lại” quan hệ. Song, nỗ lực này vẫn còn nhiều thách thức và nghi ngờ đè nặng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ Rajnath Singh (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ðổng Quân tại cuộc gặp ở Thanh Ðảo ngày 26-6. Ảnh: The Hindu

Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval hồi tháng 6 đã lần lượt tới Trung Quốc trong khuôn khổ các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - nhóm an ninh Á - Âu có 10 thành viên, trong đó gồm các thành viên chủ chốt như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran và Pakistan.

Đáng chú ý, chuyến đi Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Singh là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Ấn Độ tới quốc gia Đông Á này trong vòng 5 năm qua. Ông Singh đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng SCO. Tại cuộc gặp, lãnh đạo quốc phòng 2 nước đã “thảo luận sâu rộng” về nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới song phương; nhất trí tiếp tục tham vấn ở nhiều cấp độ khác nhau hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút quân, giảm leo thang, quản lý biên giới và cuối cùng là phân định thông qua các cơ chế hiện có.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ông Singh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua lộ trình về đối thoại lâu dài và giảm leo thang, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tạo ra các điều kiện để đạt được lợi ích chung tốt nhất và hợp tác vì sự ổn định ở châu Á và thế giới, qua đó kêu gọi thu hẹp khoảng cách trong xây dựng lòng tin sau sự cố xung đột biên giới năm 2020.

Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài khoảng 3.440 km trên dãy Himalaya nhưng phần lớn chưa được phân định rõ ràng và từng là nguyên nhân dẫn đến xung đột quân sự giữa 2 nước. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng vào năm 2020 khi binh sĩ 2 bên đụng độ tại thung lũng Galwan, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc đối đầu quân sự kéo dài suốt 4 năm, trong đó cả 2 bên đều điều động hàng chục ngàn binh sĩ tới khu vực biên giới. Đến tận tháng 10-2024, 2 nước mới đạt được một thỏa thuận rút quân từng bước. Căng thẳng giữa 2 bên kể từ đó dần dần hạ nhiệt.

Hồi tháng 1 vừa qua, New Delhi và Bắc Kinh đã đồng ý khôi phục các chuyến bay trực tiếp và nới lỏng các hạn chế về thị thực. Cũng trong tháng 1, những người hành hương Ấn Độ đã được phép đến thăm ngọn núi thiêng Kailash và một hồ nước thiêng ở khu tự trị Tây Tạng.

Song, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn rất nhiều rào cản trong mối quan hệ song phương. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ với kim ngạch song phương hồi năm ngoái đạt hơn 127 tỉ USD. Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là đất hiếm. Do đó, hòa bình ở các khu vực biên giới là điều cần thiết để thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Tuy nhiên, ở cấp độ chiến lược, Trung Quốc nghi ngờ các quốc gia phương Tây đang sử dụng Ấn Độ để cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chưa kể, Trung Quốc cũng đang sử dụng sức mạnh công nghiệp để gây sức ép lên nhiều quốc gia phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của nước này.

“Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng thương mại như một vũ khí chống lại Ấn Độ. Bắc Kinh đình chỉ các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như đất hiếm, phân bón. Động thái này có thể ảnh hưởng đến các ngành sản xuất và nông nghiệp của Ấn Độ” - Phunchok Stobdan, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ, nhận định. Gần đây, một hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ cảnh báo rằng ngành sản xuất ô tô của quốc gia Nam Á này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các hạn chế của Trung Quốc không sớm được nới lỏng.

Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các tranh chấp lãnh thổ khác với Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng khẳng định yêu sách đối với toàn bộ bang Arunachal Pradesh (phía Đông Bắc Ấn Độ) mà Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng. Tuy nhiên, phía New Delhi khẳng định rằng Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. “Nếu Trung Quốc và Ấn Độ không từ bỏ khái niệm chủ quyền thì họ sẽ tiếp tục chiến đấu mãi mãi. Nếu họ có thể đạt được thỏa thuận về Arunachal Pradesh thì 2 nước sẽ có hòa bình vĩnh cửu” - Giáo sư Shen Dingli tại Đại học Phúc Đán nhận định.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Other news

Nhật Bản tăng cường hỗ trợ an ninh chính thức 
Nhật Bản đang mở rộng hỗ trợ an ninh cho các quốc gia có vị trí chiến lược trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó phản ánh mục tiêu của Tokyo là cung cấp cho các quốc gia trong khu vực
Các nhóm chiến binh Colombia tăng cường chiêu mộ trẻ em 
Trong bối cảnh xung đột phức tạp và kéo dài ở Colombia leo thang, người dân địa phương đặc biệt sợ hãi khi các tổ chức tội phạm triển khai nhiều biện pháp cực đoan để bắt ép trẻ em gia nhập lực lượng.
Ðảng thứ ba khó “chen chân” vào hệ thống chính trị Mỹ? 
Tỉ phú công nghệ Elon Musk đã chính thức tuyên bố thành lập đảng Nước Mỹ, tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới quan sát chính trị, qua đó không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ từng thân thiết giữa ông và Tổng thống Donald Trump
Đàm phán Israel-Hamas rơi vào bế tắc, đứng bên bờ vực đổ vỡ
Loạt bản đồ mới về kế hoạch rút quân từng phần của Lực lượng Phòng vệ Israel vẫn không đáp ứng được yêu cầu của Hamas.
Ấn, Trung thận trọng cải thiện quan hệ 
Sau nhiều năm căng thẳng biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc dường như đang dần tiến tới “cài đặt lại” quan hệ. Song, nỗ lực này vẫn còn nhiều thách thức và nghi ngờ đè nặng.
Top