Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD-ĐT đề ra 16 nhiệm vụ, giải pháp năm 2024
Đại biểu dự hội nghị.
Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành GD-ĐT được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp cơ sở triển khai, thực hiện có hiệu quả. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực chính trị, chuyên môn - nghiệp vụ, quan tâm chăm lo đời sống, đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách… cho nữ nhà giáo và người lao động trong toàn ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nữ phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tâm huyết, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện tốt vụ được giao.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước và phát triển đảng trong nữ nhà giáo và lao động. Bên cạnh, tăng cường truyền thông giáo dục giới tính và cung cấp thông tin truyền thông về sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời, quan tâm công tác phòng ngừa và phối hợp giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở. Đến nay, toàn ngành có trên 600 cán bộ quản lý tại Sở GD-ĐT, các Phòng GD-ĐT và các đơn vị trường học được tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới trong công tác quản lý, lãnh đạo và công tác giáo dục, trên 10.000 học sinh THCS, THPT được tuyên truyền về nhận thức giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…
Đồng chí Bùi Thị Rảnh, Phó Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD-ĐT báo cáo kết quả hoạt động năm 2023.
Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức về giới cho nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động. Việc chăm sóc sức khoẻ cho chị em nữ được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp quan tâm.
Tại hội nghị, đại biểu trao đổi một số chủ đề: đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục nội dung bình đẳng giới và sức khoẻ sinh sản cho học sinh; kết quả triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tại trường THPT…
Năm 2024, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD-ĐT phấn đấu: trên 95% trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học, khoảng 85% trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành THCS, 98% trở lên nữ biết chữ, 100% cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT có nữ quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, từ 70% trở lên cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT, từ 75% trở lên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt…
Triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; đẩy mạnh “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Qua đó, đề ra 16 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Cô Võ Thanh Thúy, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành chia sẻ về đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục nội dung bình đẳng giới và sức khoẻ sinh sản cho học sinh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị: các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục cần quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch, trong từng cơ quan, đơn vị. Quan tâm và nhận thức đúng đắn về đội ngũ cán bộ nữ, không phân biệt nam, nữ trong việc lựa chọn, tiếp nhận, đề bạt cán bộ, quản lý lãnh đạo. Chú ý đến việc đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù về giới trong phân công, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, phát huy tốt sự cống hiến của đội ngũ cán bộ nữ.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước và phát triển đảng trong nữ nhà giáo. Có giải pháp quan tâm, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giởi trong giáo dục, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục nữ sinh, học sinh dân tộc thiểu số…
Tin, ảnh: NGỌC XOÀN