21/11/2024
x
+
aa
-

Cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi mua bán trẻ em

(ĐCSVN) - Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật, vô đạo đức. Đó là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tàn nhẫn, cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ngày 28/8, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho nhận con nuôi có liên quan đến 32 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, qua công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và công tác nắm tình hình tại các hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho nhận con nuôi, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh. Công an Thành phố đã lập chuyên án và từ thông tin, tài liệu thu thập được đã nhanh chóng triệu tập Nguyễn Thị Ánh Đào (35 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) đang nuôi - giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình. Bước đầu người này thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn để nhận nuôi trẻ sơ sinh nêu trên từ chị T.T.T.N. cư trú tại tỉnh Đắk Lắk (mẹ ruột đứa trẻ). Nhưng thực chất sau khi nhận bé thì Đào để lại cho một cặp vợ chồng tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng.

 Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt. (Ảnh: CA)

Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi được điều hành bởi Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (42 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (30 tuổi, ngụ TP Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (41 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương). Đường dây này hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành phố; với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.

Công an Thành phố cho biết, bước đầu xác định từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi). Những đứa trẻ này được mua với số tiền từ 10 - 23 triệu đồng/1 đứa trẻ. Sau đó bán lại với số tiền từ 35 - 75 triệu đồng/1 đứa trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho - nhận con nuôi, những người này đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.

Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, Công an TP đã thành lập 9 tổ công tác khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó phát hiện, giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.

Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện, giải cứu 1 bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (38 tuổi, ngụ tỉnh Sơn La, hiện đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù.

Công an Thành phố cho biết đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây (trong đó có các đối tượng chủ mưu, cầm đầu) đã điều hành, thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành "mua bán người dưới 16 tuổi" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Trên đây không phải là vụ việc mới xảy ra ở nước ta. Từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi diễn ra và lực lượng chức năng cũng đã triệt phá nhiều đường dây phạm tội, đưa ra xét xử nghiêm minh đối với nhiều đối tượng.

Lực lượng Công an giải cứu các bé sơ sinh trong một vụ mua bán trẻ em. 

Mặc dù vậy nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta đang có diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Các đối tượng tội phạm mua bán người lợi dụng những lỗ hổng thông tin trên không gian mạng cũng như nhu cầu việc làm tăng cao, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 98 vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tình trạng nạn nhân của tội phạm mua bán người là trẻ em chiếm số lượng lớn (trên tổng số vụ). Trong đó, nhiều đường dây mua bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài xuất hiện, được kết nối ban đầu từ các hội nhóm qua mạng xã hội. Những tài khoản trên các hội nhóm này đều ẩn danh. Theo khảo sát, không có bất cứ cuộc trao đổi, mua bán nào tại đây, tuy nhiên thực tế, từ đây các đối tượng kết nối với nhau, trao đổi, ngã giá, đưa thành công nhiều em bé sơ sinh ra nước ngoài, hình thành đường dây mua bán trẻ em xuyên quốc gia.

Các hình thức tìm kiếm trẻ sơ sinh thường phổ biến ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, và hướng đến những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật và vô đạo đức. Mua bán trẻ sơ sinh không chỉ xâm phạm quyền trẻ em, bởi trẻ em bị bán có nguy cơ bị lạm dụng và thiếu sự chăm sóc đúng mực. Cùng với đó, nó còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ra nhiều hệ lụy xã hội không thể lường trước và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Các bị cáo trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại Bình Dương vào tháng 8/2022. (Ảnh: X.A) 

Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật trong nước và quốc tế bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh. Ở Việt Nam, đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, các cơ quan Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng một khung pháp lý vững chắc, trở thành một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh đối với tội phạm mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người 2012, Luật Trẻ em 2016 đã nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Theo Bộ Luật Hình sự, hành vi mua bán trẻ em dưới 16 tuổi phải đối diện với mức án lên tới chung thân. Người mẹ bán con, tùy tính chất từng vụ việc sẽ bị xem xét trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự.

Trước tình hình loại tội phạm đặc biệt này hiện đang diễn ra phức tạp, thiết nghĩ, công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người cần được tăng cường hơn nữa đặc biệt là truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội cần được đẩy mạnh với các hình thức, phương thức đa dạng.

Mỗi người dân cần nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người. Trong nhà trường, tại các khu dân cư cũng cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người cùng chung tay đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Đồng thời, pháp luật cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, các trường hợp gia đình khó khăn về kinh tế, không có khả năng nuôi con hoặc gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận con nuôi nên liên hệ các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức, trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng cho, nhận con nuôi để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý. 
V.Lê

Other news

Quyền lãnh đạo và xóa án tích: Liệu có thể đồng hành?
(ĐCSVN) - Mới đây, thông tin về cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã gây chấn động dư luận khi tiết lộ rằng cả hai đều từng có án tích nhưng đã được xóa. Ông Đỗ Thắng Hải từng bị tuyên phạt 3 năm tù treo về tội đầu cơ vào năm 1988, trong khi ông Nguyễn Lộc An bị xử phạt về tội trốn thuế. Mặc dù đã xóa án tích, câu hỏi đặt ra là liệu việc thăng tiến của họ có làm tăng thêm nghi vấn về tính minh bạch của quy trình kiểm tra lý lịch tư pháp trong quá trình bổ nhiệm.
Đừng biến tướng nét truyền thống cao đẹp
(ĐCSVN) - Triệu trái tim Việt đang hướng về đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát không thể kể xiết do cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) gây ra. Người góp của, người góp công tuỳ theo sức của mình. Thế nhưng đâu đó vẫn còn hiện tượng làm màu, làm giàu trên nỗi đau của đồng bào.
Cần xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong hoạt động từ thiện
(ĐCSVN) - Trong khi đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, sự chung tay ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi hoặc gây hiểu lầm về số tiền quyên góp không chỉ làm tổn thương niềm tin của cộng đồng mà còn vi phạm pháp luật.
Đừng đánh mất chính mình!
(ĐCSVN) - Vẫn biết rằng tập luyện, thi đấu các môn thể thao nói chung đòi hỏi những hi sinh nhất định về thể chất, tinh thần và cả tuổi thanh xuân của mỗi vận động viên, nhưng không vì thế mà cho phép bản thân sa ngã trước những cám dỗ “phù phiếm, khói mây”. Cần có bản lĩnh và sự quyết tâm nói không với các loại hóa chất, thuốc kích thích tạo ảo giác.
Cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi mua bán trẻ em
(ĐCSVN) - Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật, vô đạo đức. Đó là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tàn nhẫn, cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Top