09/07/2025
x
+
aa
-

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của diễn viên Chi Bảo có gì đặc biệt? 

Trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đến ngày 10-8. Lần đầu tiên, 17 bảo vật quốc gia lưu giữ ở các bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (trước sáp nhập) được giới thiệu đến công chúng, trong đó có bảo vật Chõ gốm rất độc đáo.

Bảo vật quốc gia Chõ gốm, Văn hóa Ðông Sơn.

Chõ cũng là bảo vật quốc gia duy nhất thuộc sở hữu tư nhân, do ông Phạm Gia Chi Bảo, tức diễn viên Chi Bảo sở hữu, trong số 17 bảo vật được trưng bày. Chiếc chõ bằng đất nung, niên đại 2.500-2.000 năm, thuộc Văn hóa Đông Sơn, được Thủ tướng ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Theo giới thiệu của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, trong các loại đồ dùng bằng đất nung dùng đun nấu thời Dựng Nước, người Việt cổ đã phát minh một dụng cụ có thể gọi là tiên tiến nhất đương thời, đó là cái chõ. Chõ dùng để đồ (nấu) xôi, sau này mở rộng công năng hấp thực phẩm. Chõ gồm 2 tầng: tầng dưới là nước, tầng trên là gạo nếp hoặc thực phẩm, ngăn cách là một chiếc vỉ có nhiều lỗ tròn để hấp cách thủy. Cho đến nay chưa ghi nhận giới khảo cổ học trên thế giới công bố một công cụ đun nấu nào tương tự cái chõ với niên đại xưa như tại nước ta.

Chõ văn hóa Đông Sơn thuộc sưu tập của diễn viên Chi Bảo có tổng chiều cao 40cm, đường kính miệng 28,5cm, mép miệng dày 0,9cm, thân cao 23cm, dày 1,2cm. Trong đó, phần nồi cao 17cm, dày 0,9cm; vỉ thông hơi dày 0,4cm đường kính 11cm với các lỗ nhỏ đường kính 0,5cm. Tổng trọng lượng chõ nặng 4.200gr. Với kích thước và dáng dấp miệng loe, lưng thắt, bụng tròn này, chõ có một nét riêng thanh thoát không thể lẫn với các hiện vật đồ đun nấu hoặc bất cứ một loại đồ đựng nào.

Về chất liệu, do được tạo tác từ đất sét mịn pha cát hạt nhỏ, bã thực vật và nung ở nhiệt độ khoảng 800-900oC nên chõ có bộ khung khá cứng và gần như không bị biến dạng khi nung. Mặt khác, vì đất sét chưa tinh lọc nên chõ màu xám đỏ pha trắng, trong đó màu đỏ chiếm phần nhiều hơn.

Cũng theo Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, chõ được thực hiện trên bàn xoay kết hợp nặn tay, với bàn đập hòn kê giúp sản phẩm săn chắc, độ dày - mỏng theo yêu cầu của một dụng cụ làm chín thực phẩm bằng hơi nước nóng sôi. Sau đó, chõ được nung ngoài trời, theo phương pháp xếp thủ công. Mặt ngoài chõ trang trí “văn thừng đập kết hợp miết láng”, nổi bật văn hóa Đông Sơn. Kiểu trang trí này ngoài giúp tạo thẩm mỹ, còn hỗ trợ cho kỹ thuật tạo dáng giúp sản phẩm chắc chắn, chịu lực, ít bị rạn nứt khi nung và giữ được nhiệt đều khi sử dụng.

Trên 2.000 năm, chiếc chõ tuy có một số vết nứt và vài chỗ bị sứt sẹo nhưng cơ bản vẫn còn nguyên vẹn, được coi như là một “kỳ duyên lịch sử”. Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh nhận định: Chõ gốm này là biểu hiện đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồ đất nung thời Dựng Nước.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Other news

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của diễn viên Chi Bảo có gì đặc biệt? 
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đến ngày 10-8. Lần đầu tiên, 17 bảo vật quốc gia
Tập trung hoàn thành Hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Óc Eo-Ba Thê 
Tại buổi làm việc với Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo ngày 8-7, tại xã Óc Eo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ, yêu cầu: Không để quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị
Bế mạc Hội thao - Giao lưu văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2025 khu vực IX 
(CTO) - Ngày 6-7-2025, Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã tổ chức lễ bế mạc Hội thao - Giao lưu văn nghệ NHCSXH năm 2025 khu vực IX tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ.
Mẫu logo chính thức cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh
Mẫu logo được thiết kế sử dụng hình tượng chính là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có màu đỏ, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm.
Phim tài liệu về 5 làng nghề Việt Nam thu hút khán giả Pháp
Bộ phim theo dấu hành trình qua 5 làng nghề thủ công tiêu biểu của Việt Nam, gồm nón lá làng Chuông, gốm sứ Bát Tràng, quạt giấy Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá và tranh dân gian Đông Hồ.
Top