Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững
Ngành chức năng kiểm tra công tác thu gom, xử lý rác thải
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “về đích” triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để tỉnh cùng với cả nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Ngay từ đầu năm, tỉnh quyết liệt triển khai nhiều giải pháp toàn diện, cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt tập trung vào các trụ cột trọng tâm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tinh gọn bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính và chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xem đây là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định hành chính nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý môi trường. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, nhiều kế hoạch hành động được xây dựng và triển khai, đặc biệt là Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Võ Minh Thành, Sở được giao nhiệm vụ tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về môi trường, triển khai hiệu quả các chương trình như phân loại chất thải tại nguồn; giám sát nghiêm ngặt việc xả thải tại các khu, cụm công nghiệp; theo dõi các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao để kịp thời xử lý và phòng ngừa sự cố về môi trường.
Người dân thu gom rác thải nông nghiệp
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng cải thiện chất lượng đất đai, phòng, chống thoái hóa đất, khai thác và sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tăng cường khai thác nước mặt thay thế nước ngầm được đẩy mạnh, nhất là tại các huyện vùng hạ, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa khô.
Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát chất thải rắn, nước thải, khí thải cũng được tăng cường cùng với đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chính sách về môi trường và triển khai các chương trình phối hợp liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp xanh, bền vững. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan bảo đảm việc cấp phép, phê duyệt dự án đúng định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 209-KL/TU, ngày 13/10/2021 và Văn bản số 3581/UBND-KTTC, ngày 21/4/2022.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hoạt động trồng cây xanh, tạo dựng không gian sinh thái được chú trọng triển khai xuyên suốt trong các hoạt động hưởng ứng như Giờ Trái đất, Tháng hành động Vì môi trường, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (05/6), chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn,...
Một trong những bước tiến nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian qua là hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện tỉnh vận hành 6 trạm quan trắc tự động, gồm 3 trạm quan trắc nước mặt tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và 3 trạm quan trắc không khí ở huyện Đức Hòa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường.
Thời gian qua, các trạm quan trắc tự động nước mặt và không khí được bảo trì định kỳ để bảo đảm vận hành ổn định và khắc phục ngay sau khi có sự cố xảy ra. Hiện tại, các trạm quan trắc vận hành ổn định, đã thu thập, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của hoạt động phát triển KT-XH để làm cơ sở đề xuất biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước các tuyến sông, duy trì bảo vệ không khí xung quanh.
Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp cận thị trường tín chỉ carbon - một xu hướng toàn cầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Các cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra, xác định tiềm năng tín chỉ carbon trên địa bàn, sẵn sàng tham gia thị trường khi có điều kiện thuận lợi.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ môi trường, Long An từng bước khẳng định vai trò là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2025, với quyết tâm cao, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương xanh, sạch, đẹp, phát triển năng động nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước trong giai đoạn phát triển mới./.
Lê Đức