Cần lắp thêm camera để phát hiện, xử lý hành vi đổ rác bừa bãi ven đường, bãi đất trống
Một bãi đất trống trong khu dân cư bị đổ rác tràn lan (Ảnh chụp tháng 4/2024)
Để thực hiện tốt công tác này, ông Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo thường xuyên theo dõi và giám sát việc vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nhất là việc phân loại, tập kết, vứt và đổ chất thải đúng nơi quy định.
Quan tâm bố trí ngân sách để lắp đặt thêm camera giám sát phục vụ công tác theo dõi và giám sát tình trạng vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt tại các khu đất trống và các tuyến đường giao thông (đường liên xã, đường liên tỉnh, quốc lộ,...) trên địa bàn huyện.
Tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn theo đúng quy định. Xem xét, giao nhiệm vụ hoặc đề nghị các tổ chức đoàn thể, hội quan tâm, tăng cường dọn dẹp, vệ sinh, bảo vệ môi trường nhất là khu vực công cộng.
Một đống rác đổ bừa bãi (Ảnh chụp tháng 4/2024)
Các cấp, các ngành làm việc và yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa đi vào hoạt động phải có phương án, biện pháp bảo vệ vị trí và ranh giới khu đất nhằm tránh tình trạng là điểm tập kết chất thải gây ô nhiễm môi trường; trường hợp chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp không chấp hành thì phải có chế tài xử lý hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Ông Nguyễn Minh Lâm yêu cầu, các cấp, các ngành chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn; đặc biệt là hành vi chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng quy định, đốt chất thải, đổ trộm chất thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.
Thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An được thu gom, xử lý khoảng 870 tấn/ngày. Trong đó, các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) với khối lượng khoảng 350 tấn/ngày.
Còn rác tại huyện Tân Hưng được xử lý đốt tại lò đốt của địa phương; chất thải rắn tại địa bàn huyện Vĩnh Hưng xử lý bằng hình thức ủ phân compost và chôn lấp tại nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng.
Đối với huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường được xử lý tại lò đốt rác thị xã Kiến Tường; rác tại huyện Đức Huệ được thu gom đem về bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.
Rác đổ bữa bãi gây ô nhiễm bên đường giao thông (Ảnh chụp tháng 4/2024)
Tại huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được thu gom, vận chuyển về các nhà máy tại TP.HCM để xử lý.
Riêng rác thải sinh hoạt vùng nông thôn, chủ yếu người dân tự thu gom, đốt hoặc đổ tại hố chôn trong vườn nhà. Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, tình trạng vứt, xả rác ở các bãi đất trống, ven đường giao thông, khu dân cư vẫn còn xảy ra./.
Lê Đức