21/11/2024
x
+
aa
-

Cùng hành động vì môi trường xanh

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa các hoạt động cộng đồng vì môi trường nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa các hoạt động cộng đồng vì môi trường nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT); đồng thời, kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng các hành động thiết thực

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993.

Đến nay, chiến dịch đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu lượt người và hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành phong trào cộng đồng rộng khắp thế giới. Việt Nam tham gia hưởng ứng từ năm 1994, qua đó nâng cao hơn về nhận thức và hành động của cộng đồng đối với các vấn đề môi trường.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa các hoạt động cộng đồng vì môi trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT; đồng thời, kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Những năm qua, chiến dịch được tổ chức thường niên tại Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực.

Tiếp tục phát huy những kết quả trong việc hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn trong những năm qua, năm 2024, Trung tâm Truyền thông TN&MT được Bộ TN&MT giao chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương tổ chức những hoạt động thiết thực hưởng ứng tập trung vào các nội dung cụ thể. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là quy định bắt buộc trong việc phân loại rác thải tại nguồn chậm nhất ngày 31/12/2024 (tại khoản 1, Điều 79 và khoản 1, Điều 75 Luật BVMT năm 2020); lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch; làm sạch biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định và bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về BVMT trong các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn, phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Phối hợp cơ quan quản lý tuyên truyền về hoạt động kiểm soát, giám sát đối với khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường,…; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Chung tay hưởng ứng, thực hiện

Từng bước đưa Luật Bảo vệ môi trường vào thực tế với điểm nhấn hướng đến phân loại rác tại nguồn

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, tại Long An, việc chung tay hưởng ứng, thực hiện Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn đã trở thành thông lệ và lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng xã hội. Nhiều mô hình thiết thực hành động vì môi trường được phát động thực hiện, duy trì. Tỉnh từng bước đưa Luật BVMT vào thực tiễn với điểm nhấn hướng đến phân loại rác tại nguồn; phát động các phong trào cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch,...

Tỉnh cũng tập trung thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định,...

Đặc biệt, tỉnh chủ động tổ chức các giải pháp để triển khai có hiệu lực, hiệu quả Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn, từng bước đưa Luật vào thực tế cuộc sống, hướng đến phân loại rác tại nguồn trên địa bàn.

Tỉnh đã phối hợp Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) hỗ trợ xây dựng Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho Long An và thực hiện các hoạt động thí điểm phân loại rác từ năm 2018.

Dự án đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở khu vực đô thị, cụ thể là ở phường 3, TP.Tân An và đạt kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng), việc phân loại chất thải hiện trở thành thói quen của các hộ dân sống trong khu phố. "Tôi hy vọng lượng rác thải giảm, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng và lan tỏa những hành động đẹp vì môi trường sống" - ông Hùng nói.

Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Tài, qua thời gian thực hiện, việc phân loại rác tại nguồn đạt kết quả khả quan, giảm khoảng 15% lượng rác thải nhựa ra môi trường, giảm lượng rác thải, người dân hưởng ứng tham gia và biết cách phân loại rác. Một số hộ tự xử lý rác hữu cơ thành phân bón compost sử dụng trong trồng trọt và giảm được khoảng 40-45% lượng rác cần đưa đi chôn lấp (bao gồm rác hữu cơ và rác tái chế).

Hiện địa phương nhân rộng toàn địa bàn, góp phần đưa Luật BVMT được thực thi hiệu lực, hiệu quả. Địa phương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động, hành động phù hợp với thực tế để hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn một cách hiệu quả, lan tỏa sâu, rộng.

Để giữ vững mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng bền vững, huyện Tân Trụ xác định quan điểm định hướng phát triển theo hướng BVMT, xem đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng xã hội. Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Trụ - Đặng Minh Tân cho biết: Huyện tập trung thực hiện Luật BVMT năm 2020 bằng việc đồng bộ nhiều hoạt động, gồm: Hướng dẫn cộng đồng dân cư phân loại rác thải tại nguồn theo quy định và thu gom rác thải nhựa có thể tái chế, trong đó, lưu ý các khu vực công cộng như công viên, chợ, khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, nhà trọ,...; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật,... Huyện cũng duy trì những cách làm hay, thiết thực trong BVMT; hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế địa phương.

Ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh: “Cùng với các địa phương trên cả nước, những năm qua, tỉnh tích cực tổ chức các phong trào về BVMT; xây dựng các chiến lược về BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu; triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT, các hoạt động phát triển KT-XH gắn với BVMT mang tính bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT để địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp... Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 là dịp để các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng nhau hành động vì môi trường bằng những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, từ đó đóng góp tích cực để chung tay xây dựng môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững”./.

Sơn Quê

Other news

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh thi công đạt 50%
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh tiến độ thi công đạt 50% phấn đấu thông xe nút giao cuối tuyến phần kết nối với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối năm.
Người dân không đồng ý giải phóng mặt bằng, dự án Đường tỉnh 830C khó triển khai theo kế hoạch   
Sau khi công bố chủ trương và trao thông báo thu hồi đất, các hộ dân có đất bị ảnh hưởng không đồng thuận với phương án bồi thường theo bảng giá đất.
Huy động nguồn lực đầu tư các công trình giao thông
Những năm qua, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Long An được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hạ tầng giao thông cải thiện rõ nét...
Cùng hành động vì môi trường xanh
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa các hoạt động cộng đồng vì môi trường nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Hiệu quả thiết thực từ những mô hình bảo vệ môi trường
Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả các mô hình chung tay cùng chính quyền địa phương bảo vệ, nâng chất môi trường sống.
Top