08/04/2025
x
+
aa
-

Cẩn trọng với thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng

Thực phẩm chức năng từ lâu đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt là khi nhu cầu nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng tăng.
Thực phẩm chức năng (TPCN) từ lâu đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt là khi nhu cầu nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của thị trường TPCN là những chiêu trò buôn bán. Trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của TPCN khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe.

Theo quy định của Bộ Y tế, TPCN hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, thổi phồng với những công dụng thần kỳ của sản phẩm.

Từ những quảng cáo hấp dẫn như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”,... nhiều người tin rằng chỉ cần dùng một vài viên TPCN là có thể thay thế thuốc điều trị hay thực phẩm tươi sống, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bổ sung vi chất, chất dinh dưỡng cho cơ thể. Từ đó, dẫn đến lạm dụng hoặc sử dụng sai cách.

Xu hướng bổ sung thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến

Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc một số TikToker nổi tiếng quảng cáo sản phẩm viên kẹo rau củ. Theo lời giới thiệu, sản phẩm kẹo rau củ có thể cung cấp lượng chất xơ tương đương một đĩa rau xanh, chỉ cần ăn 2-3 viên là đủ chất xơ cho mỗi ngày, phù hợp với những người bận rộn, không có thời gian ăn uống lành mạnh.

Thế nhưng, qua kiểm nghiệm cho thấy cả hộp 30 viên chỉ chứa 0,51g chất xơ - một con số khiêm tốn so với những gì được quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) bày tỏ: “Con tôi không thích ăn rau, trái cây nên khi thấy quảng cáo kẹo rau củ với công dụng hấp dẫn, tôi mua về cho con dùng để bổ sung chất xơ. Sau khi vụ việc bị phanh phui, tôi mới biết mình đã bị lừa”.

Không chỉ vụ kẹo rau củ, trước đó, nhiều sản phẩm, TPCN cũng từng bị người nổi tiếng thổi phồng công dụng. Từ các vụ việc này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi những TikToker, YouTuber nổi tiếng nhận quảng cáo mà không kiểm chứng thông tin đã vô tình tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.

Một số người nổi tiếng sau các vụ việc bị phanh phui đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận sai sót trong quá trình quảng cáo nhưng điều này không thể thay đổi hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng mà người tiêu dùng có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc, cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử

Trên thị trường hiện nay, rất nhiều loại TPCN mà người tiêu dùng có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc, cửa hàng bán lẻ như viên bổ khớp, bổ não, bổ phổi, vitamin, viên uống bổ sung nội tiết tố,... Các sản phẩm này được bán tràn lan mà không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Ông Lê Văn Minh (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi bị đau khớp nhiều năm nay nên đã mua một loại TPCN được quảng cáo là giúp tái tạo sụn, cải thiện vận động. Ban đầu, tôi thấy cũng có cải thiện nhưng sau đó cơn đau vẫn tái phát. Khi đi khám, bác sĩ nói TPCN không thể thay thế thuốc điều trị, nếu cứ tin vào quảng cáo mà bỏ qua điều trị y khoa thì rất nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia, cơ thể con người hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất qua thực phẩm tự nhiên. Việc dùng TPCN chỉ nên là giải pháp hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn chế độ ăn uống cân bằng để duy trì sức khỏe. TPCN không phải là “thần dược” như nhiều lời quảng cáo.

Việc tin tưởng mù quáng vào những lời quảng cáo quá mức có thể khiến người tiêu dùng vừa tốn kém chi phí, vừa đối mặt với những rủi ro sức khỏe không lường trước.

Vì vậy, mỗi người cần trở thành người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định mua, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế và chỉ chọn mua các loại TPCN từ những nguồn tin cậy./.

Huỳnh Hương

Other news

12 trường hợp không được chi trả bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, danh sách một số trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung trường hợp thứ 7 và thứ 8 trong danh sách mới.
Ăn thịt rắn nuốt trọng xương, người phụ nữ nhập viện cầu cứu bác sĩ 
(CTO) - TS.BS La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cho biết các bác sĩ của khoa vừa thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị tắc ruột do nuốt phải hàng ngàn mảnh xương rắn bông súng.
Thần tốc cấp cứu thai phụ và song thai nguy kịch tính mạng 
(CTO) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ vừa thực hiện thành công ca mổ, cứu sống được cả 3 mẹ con thai phụ ở tỉnh Sóc Trăng.
Miễn phí sàng lọc trước sinh bệnh lý di truyền chậm phát triển tâm thần, tự kỷ 
(CT) - Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ phối hợp BV Đại học Y Hà Nội tổ chức chương trình sàng lọc miễn phí người mang gien FMR1 (gien gây hội chứng Fragile X) cho thai phụ mang thai dưới 20 tuần.
Bảo đảm nguồn nước sạch vì sức khỏe người dân
Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch, ngành Y tế tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Top