15/07/2025
x
+
aa
-

Chàng trai Tây Ninh và hành trình 'hộ sinh' cho rùa biển

Từ một người chưa hiểu nhiều về loài rùa biển, Nguyễn Văn Quốc Thái trở thành người “hộ sinh” rùa biển với mong muốn cứu lấy những cá thể đang bên bờ tuyệt chủng.
Giữa màn đêm tĩnh mịch trên Hòn Bảy Cạnh (đặc khu Côn Đảo, TP.HCM), một chàng trai 9x lặng lẽ đào cát, nâng niu từng quả trứng rùa như thể đang gìn giữ sự sống mong manh của đại dương. Từ một người chưa hiểu nhiều về loài rùa biển, Nguyễn Văn Quốc Thái (xã Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) trở thành người “hộ sinh” rùa biển với mong muốn cứu lấy những cá thể đang bên bờ tuyệt chủng.

Thức trắng cùng rùa mẹ

Những hình ảnh, video clip rùa mẹ âm thầm lên bãi đẻ trứng, rùa con chập chững bò về phía biển do bạn bè chia sẻ đã để lại trong Quốc Thái một ấn tượng khó quên. Rùa biển là động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam, đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Khi biết có chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam phối hợp Vườn Quốc gia Côn Đảo tuyển tình nguyện viên (TNV), chàng trai 9x mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký và may mắn được lựa chọn.

Quốc Thái “cứu hộ” tổ trứng từ rùa mẹ

Chương trình tuyển chọn theo quy trình khá chặt chẽ, với nhiều tiêu chuẩn: Ứng viên phải biết bơi, bảo đảm sức khỏe có xác nhận y tế, từng tham gia hoạt động vì môi trường và trình bày được kế hoạch truyền thông sau chuyến đi. Sau vòng xét tuyển, Quốc Thái trở thành 1 trong 20 TNV tham gia chương trình, kéo dài 10 ngày tại Côn Đảo.

Trước khi ra đảo, nhóm được tập huấn kiến thức về vòng đời rùa biển, quy trình cứu hộ và di dời trứng về khu vực ấp trứng, cách tương tác với rùa mẹ và rùa con, các lưu ý khi làm việc trên bãi đẻ. Quốc Thái được phân công ra Hòn Bảy Cạnh, nơi có mật độ rùa mẹ lên đẻ cao nhất tại Việt Nam. Quốc Thái cho biết, hàng đêm, rùa mẹ lên làm tổ và đẻ trứng sớm hay muộn phụ thuộc vào mực nước biển (khung giờ từ 19 giờ đến 3 giờ sáng). Vậy nên, hoạt động của TNV chủ yếu diễn ra vào ban đêm và kéo dài từ 5-6 tiếng.

Cụ thể, TNV sẽ theo dõi các cá thể rùa lên bãi, xác định vị trí làm tổ của rùa mẹ, phối hợp nhân viên Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cứu hộ và di dời các tổ trứng vào khu vực ấp trứng nhân tạo. Tùy từng cá thể, một tổ trứng rùa biển có thể dao động từ 50 đến hơn 100 trứng. Có trường hợp rùa mẹ còn đào cả tổ giả nhằm đánh lạc hướng, khiến việc quan sát và cứu hộ tổ trứng gặp nhiều khó khăn.

Quốc Thái (bên trái) chăm sóc các tổ ấp trứng rùa biển

Mọi hoạt động đều diễn ra trong yên lặng, tránh ồn ào gây ảnh hưởng đến rùa mẹ. Ban đêm, bãi cát rộng, trời tối, toàn bộ hoạt động đều không dùng đèn. Nếu có dùng, chỉ được dùng đèn có ánh sáng đỏ và không được chiếu trực tiếp vào rùa. Để có thể làm tốt nhất công việc của mình, Quốc Thái luôn phải chăm chú và lắng nghe mọi chuyển động - dù là nhỏ nhất.

Có những đêm, chàng trai trẻ phải trực 3-4 ca rùa đẻ liên tục, mỗi tổ đều nằm rất sâu. “Rùa đào tổ sâu lắm, nếu không đủ sức sẽ đào không nổi, chưa kể một số mẹ rùa làm tổ ở vùng cát có nhiều san hô chết, gần bụi dứa gai, việc đào cát lên lấy trứng hết sức khó khăn” - chàng trai 28 tuổi kể lại.

Sáng ra, các TNV sẽ thả rùa con về biển từ 6 giờ và phải hoàn thành trước 8 giờ để bảo đảm sức khỏe và hạn chế tối đa nguy hiểm cho rùa con khi bơi ra biển. Xong việc, Quốc Thái và các TNV tiếp tục thực hiện các phần việc hậu cần như ghi nhận dữ liệu, vệ sinh các tổ trứng đã nở và hồ ấp trứng nhân tạo, kiểm tra tình trạng rùa con sắp nở, san lấp cát tổ đẻ của rùa mẹ, hỗ trợ Trạm Kiểm lâm tăng gia sản xuất. Công việc gần như diễn ra liên tục, nhưng với Quốc Thái, đó là những ngày “cực kỳ quý giá”.

Lan tỏa tình yêu động vật hoang dã đến cộng đồng

Ngay sau khi kết thúc đợt tình nguyện, Quốc Thái bắt đầu chia sẻ các video và hình ảnh về hành trình bảo tồn rùa biển lên trang mạng xã hội cá nhân. Những cảnh quay thực tế do anh thực hiện, cùng sự dẫn dắt gần gũi ghi lại cảnh rùa mẹ bò lên bãi, rùa con chập chững về biển hay từng thao tác cứu hộ tổ trứng,... thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng.

Những video clip chia sẻ của chàng trai nhận được hơn 1 triệu lượt xem, hàng chục ngàn lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ, góp phần lan tỏa thông tin về một hoạt động ý nghĩa đến với cộng đồng. “Rùa biển là loài sinh vật đặc biệt. Chúng sống phần lớn cuộc đời ngoài khơi, chỉ khi sinh sản mới trở về bãi cát. Nếu không có ai hỗ trợ, rất nhiều ổ trứng có thể bị mất vì sóng, cát sạt lở, hoặc rùa con sẽ trở thành mồi cho các loài vật khác khi tự bò ra biển” - Quốc Thái nói.

Thả rùa con về với đại dương

Theo anh Quốc Thái, không phải ai cũng có cơ hội ra đảo làm TNV nhưng qua mỗi hình ảnh, mỗi đoạn video được chia sẻ, ít nhất người xem có thể hiểu thêm về giá trị của sinh vật nhỏ bé trong tự nhiên và ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Chàng trai Tây Ninh tiếp tục kể câu chuyện bảo tồn theo cách riêng của mình, bằng những thước phim chân thực và góc nhìn trẻ trung, nhân ái.

Sau 10 ngày làm việc ở Hòn Bảy Cạnh, nhóm của Quốc Thái đã cứu hộ hàng trăm tổ trứng, “đỡ đẻ” và đưa hàng ngàn rùa con trở lại đại dương. Nhưng điều đọng lại trong anh không phải là những con số mà là nhận thức mới về sự sống, nơi mỗi sinh vật dù nhỏ bé vẫn mang giá trị riêng cần được tôn trọng và gìn giữ.

“Trong quá trình “đỡ đẻ” cho các mẹ rùa, mình chứng kiến có rất nhiều cá thể rùa mẹ bị mất một vây hoặc bị mẻ mai, có con mất 1/4 mai. Điều này khiến mình cảm nhận sâu sắc những mối nguy hiểm mà rùa biển phải đối mặt. Mình mong mọi người hãy chung tay bảo vệ động vật hoang dã, hạn chế tối đa thải rác thải nhựa. Đó cũng là cách bảo vệ môi trường sống của chúng ta trên Trái đất này” - Quốc Thái nói./.

Hòa Khang - Khải Tường

Top