Châu Âu đang trở lại bàn đàm phán về tương lai Ukraine?
Triển vọng về sự góp mặt của châu Âu trong tiến trình hòa bình ở Ukraine được thúc đẩy giữa thời điểm Kiev và các đồng minh phương Tây nỗ lực thuyết phục Mỹ đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: AP
Ngày 17-4, Pháp đã tổ chức một cuộc họp 3 bên về Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành đàm phán chung kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1 năm nay.
Phát biểu với kênh tin tức News Channel LCI, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên các quan chức đại diện của 3 bên “ngồi cùng một bàn đàm phán.” Ông khẳng định cuộc đàm phán này “cần thiết” vì hướng đến thúc đẩy một mục tiêu chung đó là: hòa bình ở Ukraine. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho rằng chỉ có thể đạt được một nền hòa bình lâu dài khi có sự đồng thuận và đóng góp của EU. Một số quan chức Pháp cấp cao khác thì khẳng định buổi làm việc “hiệu quả, tích cực và mang tính xây dựng” đem lại cơ hội chiến lược rất mạnh mẽ, phản ánh sự tiếp cận đồng nhất của khu vực với mục tiêu chấm dứt chiến tranh Ukraine - Nga mà chính quyền Tổng thống Trump đang hướng tới. Dự kiến, các chuyên đàm phán hàng đầu sẽ họp lại theo cùng hình thức tại thủ đô Luân Đôn (Anh) vào tuần sau.
Nội dung đàm phán không được công bố, nhưng thông tin từ văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó tiết lộ mục tiêu đối thoại là xem xét tiến độ đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt hành động quân sự của Nga tại Ukraine. Hiện các quan chức Pháp tin tưởng Washington đánh giá rất cao sáng kiến của nước này và Anh trong những tuần gần đây nhằm xây dựng các đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi đạt được lệnh ngừng bắn. Đổi lại, bản phác thảo kế hoạch hòa bình do Mỹ soạn thảo nhận được “sự đón nhận đáng khích lệ” trên bàn đàm phán.
Hoạt động ngoại giao cấp cao nói trên phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng ở châu Âu về các động thái của Nhà Trắng đối với Nga kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi tháng 1. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ - Nga chưa dẫn đến những đột phá đáng kể, Tổng thống Macron đã dẫn đầu nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh châu Âu tiếp tục bị gạt sang một bên trong tiến trình hoàn bình Ukraine.
Và cuộc đàm phán mới chính là cơ hội để các đồng minh châu Âu của Ukraine đánh giá lập trường của chính quyền Trump về cuộc chiến hiện nay, mở ra triển vọng để các nước phương Tây định hình lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ theo hướng có lợi cho khu vực. “Tôi tin Mỹ đã nhận ra lợi ích khi làm việc theo khuôn khổ này” - một nguồn tin chính phủ nói với các phóng viên sau một ngày diễn ra các cuộc đàm phán liên tiếp.
Được biết trước đó, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Macron là Emmanuel Bonne và những người đồng cấp Anh, Đức đã gặp Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrii Yermak để thảo luận về lệnh ngừng bắn và đảm bảo an ninh.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Yermak cho biết các bên đã trao đổi quan điểm về những bước tiếp theo hướng tới tương lai hòa bình công bằng và lâu dài, cũng như việc thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện và sự tham gia của lực lượng quân sự đa quốc gia, từ đó xây dựng cấu trúc an ninh hiệu quả cho Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã thảo luận với người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu hiện có mặt tại Washington về nỗ lực hướng tới hòa bình lâu dài ở Ukraine. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Hegseth cho biết hai bên còn thảo luận về nhu cầu cấp thiết của châu Âu trong việc đáp ứng cam kết chi tiêu quốc phòng 5% để khôi phục khả năng răn đe bằng các lực lượng thông thường sẵn sàng và có sức sát thương cao.
MAI QUYÊN (Theo CBS, CNN)