28/01/2025
x
+
aa
-

Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả

Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh tích cực chuyển đổi cây trồng, mang lại thu nhập cao cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tại huyện Mộc Hóa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mum (SN 1964, ngụ ấp Gò Dồ, xã Bình Thạnh) là điển hình cho sự thành công này.

Hiện nay, vườn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Mum (ấp Gò Dồ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) có 700 gốc bưởi và 2.000 gốc mít

Không phải người dân địa phương, năm 1995, vợ chồng bà Mum chọn xã Bình Thạnh làm nơi an cư và phát triển kinh tế. Hành trình lập nghiệp của vợ chồng bà không hề dễ dàng. Sau khi kết hôn năm 1985, vợ chồng bà có 8 năm lập nghiệp ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Do gặp một số khó khăn, ông bà quyết định trở về huyện Mộc Hóa làm thuê.

Nhờ chăm chỉ, dần dần ông bà tích cóp  mua được 3ha đất tại xã Bình Thạnh. “Lúc đó, không có nhiều tiền nhưng nhờ giá đất ở đây rẻ nên vợ chồng tôi mua được 3ha” - bà Mum chia sẻ. Sau nhiều năm tích cóp và làm việc chăm chỉ, ông bà mua thêm gần 10ha đất, chia cho các con, hiện còn lại 3,5ha để canh tác.

Trước đây, vợ chồng bà Mum chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, giá lúa giảm, lợi nhuận không ổn định. “Có những vụ chỉ huề vốn, thậm chí lỗ. Trước tình hình đó, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi cây trồng, từ 7 năm trước, khi Nhà nước bắt đầu đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông tại địa phương, thuận lợi cho việc buôn bán. Vì vậy, tôi và chồng không ngần ngại chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái" - bà Mum nói.

Ban đầu, vợ chồng bà trồng bưởi và dừa xiêm xanh nhưng sau đó nhận thấy dừa xiêm xanh không mang lại hiệu quả nên quyết định thay thế bằng mít.

Hiện nay, vườn của ông bà có 700 gốc bưởi và 2.000 gốc mít. Chi phí đầu tư ban đầu để lên liếp và mua giống cây khoảng 250 triệu đồng nhưng thành quả thu được rất xứng đáng.

Mỗi năm, vườn bưởi mang về lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng, còn mít, dù chưa thu hoạch nhưng dự kiến sẽ cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Nhớ lại những ngày đầu chuyển đổi cây trồng, bà Mum bộc bạch: “Trước đây, trồng lúa không có lời nhiều, chỉ đủ sống thôi chứ không dư dả gì. Giờ trồng cây ăn trái thì khác hẳn, kinh tế cải thiện rõ rệt”.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả không chỉ nhờ quyết định cá nhân mà còn là quá trình học hỏi từ người thân, bạn bè và các đợt tập huấn từ ngành Nông nghiệp. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, họ đã kiên trì và thành công.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Hóa có nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng. Diện tích gieo trồng các loại rau màu trong năm là 839,6ha (trong đó, vụ Đông Xuân 2023-2024 là 425,6ha; vụ Hè Thu 2024 là 414ha; các loại cây trồng chủ yếu là dưa hấu, sen, rau má,...). Diện tích cây ăn quả lâu năm là 516,84ha (mít 234,24ha; thanh long 60,38ha; sầu riêng 52,80ha;...).

Nhìn chung, các loại cây trồng được chuyển đổi trên đất trồng lúa đều cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích sản xuất./.

Khánh Duy

Top