21/11/2024
x
+
aa
-

Cốt lõi vẫn là ý thức!

(ĐCSVN) – TP Hồ Chí Minh đang thí điểm không sử dụng đèn giao thông đếm ngược thời gian ở các giao lộ có chốt đèn giao thông. Vấn đề này đang nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận. Nên hay không nên? Có lẽ điều đó cần sự đánh giá từ kết quả thực tiễn, từ sự phân tích các yếu tố khoa học và … cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.
 Nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán để có phương án đèn tín hiệu giao thông linh hoạt ( Ảnh: Vương Lê)

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây Thành phố đã thí điểm không sử dụng đèn giao thông đếm ngược thời gian tại một số giao lộ lớn trên địa bàn. Các khu vực được gắn đèn là những giao lộ lớn, có camera giám sát và kết nối với Trung tâm Quản lý giao thông đô thị để tiện cho việc điều chỉnh từ xa. Cụ thể, việc thí điểm triển khai ở 3 nút giao thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, gồm nút giao với các đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng 8. Đến nay, mô hình này bắt đầu được mở rộng và thí điểm ở giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (gần hầm Thủ Thiêm).

Việc thí điểm này nhằm để cơ quan chức năng theo dõi, ghi nhận hình ảnh và số liệu về hành vi của người tham gia giao thông trong việc chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời, thống kê chi tiết các số liệu về tình trạng vượt đèn đỏ, va chạm giao thông, tai nạn giao thông, đánh giá tình trạng vận hành của tuyến đường thí điểm. Kết quả này sẽ giúp Thành phố có phương án để tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu quả nhất.

Khi vấn đề này được đưa ra, đã có 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc không sử dụng đèn giao thông đếm ngược tại các giao lộ có chốt đèn giao thông là hợp lý. Họ đưa ra những dẫn chứng thực tế khi tham gia giao thông, tại các giao lộ, khi tín hiệu đèn báo còn 2-3 giây đèn xanh, nhiều người đã cố gắng tăng tốc để kịp vượt với suy nghĩ tránh tín hiệu đèn đỏ tới. Ở phía ngược lại, cũng không ít người chờ đèn đỏ mà có khi còn tới 4, 5 giây mới chuyển màu đèn nhưng họ đã vào số, tăng ga để đi; người trên chưa đi thì phía dưới là những tiếng còi inh ỏi ra “tín hiệu”. Một bên cố vượt, một bên lại cố “ăn gian” vài giây đã khiến cho tình trạng ùn tắc ở các ngã tư thường xuyên xảy ra. Điều này cũng dẫn tới nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông. Hơn nữa, nhiều người cũng cho rằng, đối với khu vực đô thị đặc biệt là những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh thì hàng ngày thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh khu vực giao lộ. Do đó, nếu có giải pháp điều hành đèn giao thông linh hoạt phù hợp với lưu lượng xe tham gia giao thông tại từng thời điểm thì sẽ giải tỏa được tình trạng ùn tắc chứ không nhất thiết phải cài đặt số giây cố định.

Tuy nhiên, cũng có những người lại không đồng tình với việc bỏ đèn giao thông đếm ngược thời gian ở các giao lộ có chốt đèn giao thông. Họ cho rằng, nếu để số giây hiện lên, người tham gia giao thông sẽ biết để có phương án. Chẳng hạn, nếu như số giây còn nhiều họ có thể tạm thời tắt máy giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, giảm chi phí xăng xe. Hơn nữa, ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân di chuyển bằng xe máy rất lớn, thời tiết lại nắng nóng, nên nếu dừng đèn đỏ quá lâu dưới thời tiết nắng nóng gay gắt mà không biết bao giờ được đi thì sẽ có tâm lý không thoải mái, sốt ruột. Đồng thời, nếu biết cụ thể thời gian, họ cũng sẽ giảm tốc độ và dừng đèn đỏ chính xác hơn. Nếu như giờ áp dụng đèn không đếm ngược, tài xế lái xe không thể biết được khi nào chuyển màu, dễ dẫn tới việc đi quá trớn sẽ vi phạm luật giao thông; nếu phanh gấp để không đè vạch nguy cơ va chạm từ phía sau cũng khá cao.

  Hoạt động giao thông vẫn ổn định ở một số ngã tư sử dụng đèn giao thông không có bộ đếm ngược thời gian.  (Ảnh: Vương Lê)

Đây cũng là vấn đề “nóng” mà mấy ngày nay được cử tri TP Hồ Chí Minh đặt ra đối với các Đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Trả lời cử tri quận 4, 7, huyện Nhà Bè ngày 3/7, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát cho thấy, có người dân đồng tình, có người dân không đồng tình. Trước tình hình này, Sở GTVT sẽ theo dõi, có tính toán thêm và khả năng chỉ bỏ đèn đếm lùi giây ở pha đèn đỏ. Như vậy, khi người tham gia giao thông đang chờ đèn đỏ, khi thấy đèn xanh thì mới chạy, tránh việc đèn chưa qua xanh mà thấy đèn đếm lùi nên tranh thủ chạy, gây tai nạn đáng tiếc.

Đối với vấn đề trên, TP Hồ Chí Minh đang tìm một phương án tối ưu nhất, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đảm bảo giao thông được vận hành tốt nhất, tránh ùn tắc. Lựa chọn phương án nào, có lẽ cũng cần thêm thời gian để Thành phố có những phân tích, đánh giá một cách khoa học, đầy đủ, chính xác, phù hợp và nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận ở góc độ trách nhiệm, ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mỗi người dân khi tham gia giao thông đều tuân thủ đúng quy định, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông nói chung cũng như chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông thì có lẽ tình trạng ùn tắc hay những vụ tai nạn giao thông đã được giảm đi đáng kể. Vì thế, thiết nghĩ, cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Chính họ phải có ý thức cao nhất để tự bảo vệ an toàn cho bản thân mình, đồng thời phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Thành phố cần phải có những giải pháp đồng bộ. Đó là cùng với công tác truyền thông, các giải pháp về cơ sở hạ tầng, phân luồng giao thông, giải pháp về đèn tín hiệu giao thông, thì để đảm bảo an toàn giao thông, chúng ta cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: V.Lê

Other news

Quyền lãnh đạo và xóa án tích: Liệu có thể đồng hành?
(ĐCSVN) - Mới đây, thông tin về cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã gây chấn động dư luận khi tiết lộ rằng cả hai đều từng có án tích nhưng đã được xóa. Ông Đỗ Thắng Hải từng bị tuyên phạt 3 năm tù treo về tội đầu cơ vào năm 1988, trong khi ông Nguyễn Lộc An bị xử phạt về tội trốn thuế. Mặc dù đã xóa án tích, câu hỏi đặt ra là liệu việc thăng tiến của họ có làm tăng thêm nghi vấn về tính minh bạch của quy trình kiểm tra lý lịch tư pháp trong quá trình bổ nhiệm.
Đừng biến tướng nét truyền thống cao đẹp
(ĐCSVN) - Triệu trái tim Việt đang hướng về đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát không thể kể xiết do cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) gây ra. Người góp của, người góp công tuỳ theo sức của mình. Thế nhưng đâu đó vẫn còn hiện tượng làm màu, làm giàu trên nỗi đau của đồng bào.
Cần xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong hoạt động từ thiện
(ĐCSVN) - Trong khi đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, sự chung tay ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi hoặc gây hiểu lầm về số tiền quyên góp không chỉ làm tổn thương niềm tin của cộng đồng mà còn vi phạm pháp luật.
Đừng đánh mất chính mình!
(ĐCSVN) - Vẫn biết rằng tập luyện, thi đấu các môn thể thao nói chung đòi hỏi những hi sinh nhất định về thể chất, tinh thần và cả tuổi thanh xuân của mỗi vận động viên, nhưng không vì thế mà cho phép bản thân sa ngã trước những cám dỗ “phù phiếm, khói mây”. Cần có bản lĩnh và sự quyết tâm nói không với các loại hóa chất, thuốc kích thích tạo ảo giác.
Cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi mua bán trẻ em
(ĐCSVN) - Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật, vô đạo đức. Đó là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tàn nhẫn, cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Top