05/10/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Cuộc khủng hoảng “sức khỏe tâm thần” ở Hàn Quốc 

Bất chấp Hàn Quốc vang danh toàn cầu về những thành tựu kinh tế to lớn và việc đổi mới công nghệ, giới chức nước này đang đau đầu xử trí cuộc khủng hoảng “sức khỏe tâm thần” trong nước, giữa lúc tỷ lệ tự tử tăng cao.

Người lao động Hàn Quốc chịu áp lực cao trong công việc. Ảnh: Korea Bizwire

Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Sức khỏe tâm thần Hàn Quốc, cứ 10 người dân nước này thì có 7 người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong khảo sát tiến hành trên 3.000 người từ 15-69 tuổi, 78,8% cho biết đã cố gắng duy trì tinh thần minh mẫn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng 73,6% thừa nhận gặp vấn đề sức khỏe tâm thần trong năm 2023. 

Hàn Quốc còn có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước phát triển, với 26 ca tự tử/100.000 dân. 

Nhiều yếu tố gây tổn hại

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tự tử cao ở xứ kim chi bao gồm những áp lực xã hội gay gắt, từ áp lực thi cử ở trường học cho đến sự cạnh tranh khốc liệt ở nơi làm việc.

Tại Hàn Quốc, văn hóa truyền thống thường khiến người dân ngại tìm kiếm sự giúp đỡ để điều trị bệnh tâm thần, với báo cáo cho thấy chỉ 7% số người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần tìm kiếm phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ tâm lý. 

Đổi mới chính sách sức khỏe

Hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cam kết rằng chính phủ sẽ bắt đầu chủ động giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần thông qua Kế hoạch đổi mới chính sách sức khỏe tâm thần. Kế hoạch này bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho 80.000 người vào năm 2024 và tăng lên khoảng 1 triệu người vào năm 2027. Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm lý cho thanh niên từ 20-34 tuổi, rút ngắn thời gian thăm khám từ 10 năm một lần ở hiện tại lên 2 năm một lần, nhằm mục tiêu sớm can thiệp nguy cơ sức khỏe tâm thần cho giới trẻ. Thông qua chính sách này, chính phủ đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ tự tử vào năm 2033.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc ấn định số điện thoại 109 làm đường dây nóng về khủng hoảng sức khỏe tâm thần, cùng với việc dự định cung cấp liệu pháp tin nhắn văn bản trực tuyến cho thanh thiếu niên. Bộ Y tế và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sẽ thành lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp chung hoạt động 24/7 với cảnh sát và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần ở 17 khu vực. Dự kiến, đến năm 2028, số lượng trung tâm y tế cấp cứu sức khỏe tâm thần sẽ tăng gấp ba lần lên 32 trung tâm, cũng như tăng số lượng giường bệnh tại các cơ sở.

Không chỉ vậy, Bộ Y tế Hàn Quốc cũng sẽ phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm hạn chế kỳ thị đối với bệnh nhân tâm thần. Bộ này còn có kế hoạch hướng dẫn đưa tin trên phương tiện truyền thông về sức khỏe tâm thần để giảm thiểu nạn phân biệt đối xử và định kiến trong xã hội.

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Top