10/11/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Giảm giờ làm giúp tăng tỷ lệ sinh? 

Tại Hàn Quốc, giảm thời gian làm việc trong tuần là một trong số ít chính sách được cả 2 đảng chính trị lớn ủng hộ. Cựu Chủ tịch Công đoàn ngành Tài chính Hàn Quốc, nghị sĩ Park Hong-bae còn xác định giảm giờ làm là nhu cầu không thể tránh khỏi của thời đại nói chung, đồng thời là chìa khóa giúp Hàn Quốc giải quyết khủng hoảng sinh sản.

Áp lực công việc cao là văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei

Trong bài toán khuyến sinh, Seoul xác định mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ sinh suy giảm. 

Kim Jang-ung, nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul, đánh giá chế độ tuần làm việc 4 ngày có thể thúc đẩy tỷ lệ sinh hiệu quả hơn so với bất kỳ chính sách hiện hành nào. Kim cho biết anh và vợ mới bắt đầu lên kế hoạch sinh con, nhưng việc dành hơn 12 tiếng mỗi ngày để đi lại hoặc đến văn phòng khiến họ do dự. Mặc dù cả 2 theo quy định được nghỉ phép chăm con một năm, nhưng anh cho biết có sự kỳ thị ngầm đối với việc tận dụng tối đa các chính sách này. “Mọi người đều hiểu rằng nếu sử dụng hết thời gian nghỉ phép chăm con, họ sẽ không được thăng chức” - Kim nói.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.357 tiếng trong năm 2006, tương đương hơn 48 tiếng/tuần. Con số đó cao hơn 70% so với Hà Lan, quốc gia có tuần làm việc ngắn nhất với thời gian trung bình 29 tiếng. Tuy Hàn Quốc đứng hạng 6 trong các thành viên OECD về số giờ làm việc, năng suất lao động quốc gia lại xếp thứ 33/38 nước vào năm 2022.

Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, các báo cáo tài xế giao hàng và những người lao động khác ở tuyến đầu tử vong vì kiệt sức khiến nhiều người dân Hàn Quốc nhận ra họ không thực sự thích cuộc sống làm việc hiện tại. Có người còn tự hỏi liệu công việc yêu cầu làm đến kiệt sức mỗi ngày có thực sự cần thiết hay không. Trong khảo sát hồi tháng 8, công ty thăm dò ý kiến Global Research cho biết hơn 60% người dân trong lực lượng lao động Hàn Quốc ủng hộ tuần làm việc 4 ngày. Một khảo sát do công ty nhân sự Wanted thực hiện năm ngoái cho thấy, hơn một nửa trong số 1.700 người được hỏi thích làm việc 4 ngày/tuần ngay cả khi họ có bị giảm lương.

Tại một số nước, giảm dần giờ làm việc trong tuần được nhiều người tin tưởng trước bằng chứng cho thấy chính sách này giúp tăng năng suất thông qua việc để người lao động nghỉ ngơi nhiều hơn. Đơn cử như ở Anh, phần lớn trong số 61 công ty và tổ chức tham gia thử nghiệm năm 2022 về tuần làm việc ngắn hơn đã chính thức triển khai quy chế này sau những cải thiện như tăng năng suất làm việc và hiệu quả trong giữ chân người lao động. Hồi tháng 3, thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders  đã đề xuất dự luật tuần làm việc 32 giờ không bị giảm lương trước mức độ kiệt sức đáng báo động ở người lao động nước này. 

Hiện các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc, vốn là nơi tuyển dụng phần lớn lực lượng lao động của cả nước, cũng gần như không có khả năng áp dụng quy tắc tuần làm việc 4 ngày. Theo Lee Myung-ro tại Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, các công ty đang mắc kẹt trong “vòng luẩn quẩn” giờ làm dài khiến lao động trẻ nghỉ việc, dẫn tới giảm năng suất, tăng khối lượng công việc của mỗi cá nhân và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động.

Hiện thế giới có 23 quốc gia đang thử nghiệm, hoặc chính thức có quy định trong hiến pháp cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần. Phần lớn các nước này nằm ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Với đa số trường hợp, người lao động vẫn làm việc 40 giờ/tuần, nhưng cô đọng nó trong 4 ngày, mỗi ngày 10 giờ thay vì dàn trải ra 5 ngày. Bỉ là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc làm 4 ngày/tuần vào năm 2022.

MAI QUYÊN (Theo LA Times)

Top