Dân ca Hậu Giang thể hiện những nét đặc thù
Cách đây khoảng 10 năm, chúng tôi thực hiện chuyên đề Hò Cần Thơ, trước khi điệu hò này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi chúng tôi liên hệ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để phỏng vấn, ông vui vẻ nhận lời: "Anh em Cần Thơ thì tôi sẵn lòng". Sau khi chúng tôi gửi câu hỏi, ông có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong nhiều ngày với đầy ắp thông tin về dân ca Hậu Giang.
Cuốn "Dân ca Hậu Giang". Ảnh: DUY KHÔI. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhóm sưu tầm ghi âm dân ca tại xã An Bình, TP Cần Thơ. Nguồn ảnh: chụp lại trong quyển "Dân ca Hậu Giang".
Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ngày đó.
► Xin nhạc sĩ khái quát đôi nét về Hò Cần Thơ?
- Ngày xưa, trên các sông rạch, kinh xáng của đất Hậu Giang vẫn lanh lảnh giọng hò Cần Thơ, giọng hò "bánh bò", triền miên âm vang theo con nước lớn ròng. Giọng hò Cần Thơ bay bổng, trải dài đã nổi tiếng là một đặc sản lâu đời chỉ có thể nảy sinh trong môi trường sông nước hữu tình của miền đất Hậu Giang.
Các loại hò sưu tầm được tại Hậu Giang đã bổ sung vào thể loại hò của dân ca Nam Bộ. Hò cấy, hò mái dài Hậu Giang cũng không giống hò cấy, hò mái dài ở Ðồng Tháp, Bến Tre, Cửu Long, Tiền Giang, Kiên Giang và Long An. Nét nhạc lấy hơi của hò mái dài ở Thốt Nốt gợi người nghe liên tưởng đến hò mái nhì ở Thừa Thiên Huế.
Hò cấy ra đời từ trong nhóm hò của các vạn cấy; chỉ nổi tiếng ở từng nơi, từng vùng nhất định. Hò cấy ở Gò Công không giống hò cấy ở Bến Tre, hò cấy Bến Tre lại khác biệt hò cấy Cửu Long, hò cấy Kiên Giang không có họ hàng với hò cấy Hậu Giang. Ta nghe hò cấy của người Việt ở Nam Bộ, cách riêng ở Hậu Giang, không thể nào lẫn lộn vùng miền khác, có tính đặc thù riêng, đặc biệt dựa vào thang âm điệu thức Oán, nghe mùi mẫn hơn.
Ðất Hậu Giang (bây giờ gồm TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng - PV) đâu phải là một lãnh địa cắt đứt mọi mối giao lưu xâm nhập của các vùng lân cận trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Trên thực tế, các làn điệu dân ca sưu tầm tại đất Hậu Giang vừa bao hàm đặc tính chung của dân ca Nam Bộ vừa thể hiện những nét đặc thù của mình.
► Thưa nhạc sĩ, công trình "Dân ca Hậu Giang" rất giá trị, cho thấy công phu của nhạc sĩ và các cộng sự. Nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi điều kỷ niệm về quá trình sưu tầm dân ca Hậu Giang?
- Hậu Giang hồi ấy gồm 3 tỉnh, thành phố bây giờ, địa bàn rất rộng, đi như thế mất rất nhiều thời gian. Ðoàn sưu tầm đi gần 100 ngày, chưa có tỉnh nào kéo dài như thế. Chúng tôi đi tất cả các xã trong tỉnh, từ 6 xã Vòng Cung đến Ô Môn, Thốt Nốt, Kế Sách, Mỹ Tú, Vị Thanh, Long Mỹ… Thời đó, điều kiện đi lại, sinh hoạt rất gian nan, gặp gì ăn nấy, gặp đâu ngủ đó.
Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi an ủi là tìm được nhiều làn điệu độc đáo, mang dấu ấn của vùng Hậu Giang. Phấn khởi lắm!
Ðó là giọng hát đưa em của bà Trần Thị Ba, 76 tuổi, ở Thốt Nốt. Bà chuyên đi cho bú thép, hát đưa em mướn. Nhiều đứa trẻ được bà ru ngủ. Bà ngồi trên võng, giăng trên bộ vạt trước hàng ba. Nhóm chúng tôi ngồi thu thanh, nghe bà ru một hồi cả đoàn ai cũng buồn ngủ, tới con heo ngoài chuồng nó cũng ngủ queo. Bà Ba cũng rành Lý Thanh Trục, tưởng chỉ có ở Bến Tre nhưng bà ca còn độc đáo hơn.
Hay là Lý Con cóc sưu tầm ở Ô Môn, sau này được Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ dàn dựng, thi Liên hoan Dân ca toàn quốc, đoạt giải Nhất, với mấy lời ca dễ thương: "Cóc chết nàng nhái mồ côi bấy lâu…". Lý Con cóc Ô Môn bổ sung thêm cho điệu lý này sưu tầm ở Cái Răng, Bến Tre, Ðồng Tháp.
Có lần nọ, khi đoàn đi sưu tầm dân ca ở Kế Sách, chiều tối, nước ròng, vỏ lãi bị kẹt, may sao nhờ vậy phát hiện có bà Trần Thị Hai, bên kia cầu, biết nhiều điệu lý. Chúng tôi thu thanh được điệu Lý Gọng kiềng, vốn được dùng trong ca bóng rỗi. Sau này, Lê Giang (tức vợ ông - PV) cảm hứng sáng tác bài "Thiết tha miền Hậu Giang".
Hay lần sưu tầm ở Phụng Hiệp, có ông Huỳnh Văn Mười, tục gọi Mười Xe Hơi, biết nhiều làn điệu dân ca. Khi xã mời lên, ông hồi hộp không biết mời lên làm gì. Khi biết chuyện, ông thoải mái hò hát, trong đó có bài Lý Cấy rất hay. Bài này sau đó thành nhạc hiệu của nhiều chương trình dân ca.
Quá trình sưu tầm dân ca Hậu Giang, chúng tôi có về Ô Môn, thăm nhà của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, nhà cũ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước... Một kỷ niệm vui khác là năm 1985, chúng tôi xuống Bến Ninh Kiều, chuẩn bị về Long Mỹ sưu tầm, thì anh Hai Ớt (tức đồng chí Võ Hồng Quang, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hậu Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin - PV) tức tốc chạy tới gọi: "Có lệnh đổi tiền rồi, anh em quay lại đi, đổi rồi hãy đi".
► Thưa nhạc sĩ, nhạc sĩ có đánh giá gì về sức lan tỏa của dân ca Hậu Giang?
- Năm 1992, chúng tôi thực hiện cuốn băng "Tiếng vọng đồng quê", giới thiệu hò, lý Nam Bộ và được Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1993, trong đó có Lý Thanh Trục, Lý Cấy sưu tầm ở Cần Thơ.
Ở Cần Thơ có một hiện tượng rất đặc biệt là trên cùng dòng sông Ô Môn, sản sinh ra 4 nhạc sĩ nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam là Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Ðắc Nhẫn, Triều Dâng.
Bà Thái Ngọc Lang là mẹ của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Bà thường dạy ông hò: "Sao vua chín cái, sao bánh lái nằm chồng. Anh thương em từ thuở má bồng trên tay". Với cách lấy hơi hò đặc trưng đó, sau này khi sáng tác ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người", ông đã đưa vào câu mở đầu: "Tôi hát ngàn lời ca. Bao la hơn những cánh đồng…".
Bà La Thị Sinh là mẹ của Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, có dạy ông bài Lý Bốn mùa. Hồi ở chiến khu Việt Bắc, ông cùng với nghệ sĩ Thái Thị Liên, là mẹ của nhạc sĩ Ðặng Thái Sơn, kết hợp Lý Bốn mùa với Lý Giao duyên, thành bài "Ru con Nam Bộ" mà nhiều người ngộ nhân đó là điệu hát ru: "Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ. Năm (ơ) canh chày, năm (ơ) canh chày. Thức đủ vừa năm. Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi".
Còn nhạc sĩ Ðắc Nhẫn, từ làn điệu dân ca và câu ca dao nổi tiếng quê hương đã cho ra đời bài "Cần Thơ gạo trắng nước trong". Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì có bài "Ðàn sáo Hậu Giang", lấy cảm hứng từ điệu hò Cần Thơ. Nhạc sĩ Minh Luân sáng tác bài "Tiếng hò sông Hậu" cũng rất nổi tiếng…
Nói tóm lại, "Dân ca Hậu Giang" không chỉ bảo lưu giá trị tinh thần của ông bà ta mà còn cung cấp chất liệu cho giới sáng tác âm nhạc, soạn giả cải lương. Nhất là, giúp thế hệ trẻ sau này có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất mến yêu bên dòng sông Hậu.
► Xin cám ơn nhạc sĩ!
ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)