26/04/2025
x
+
aa
-

Đẩy nhanh kế hoạch hòa bình, Mỹ tăng sức ép lên Ukraine 

Cáo buộc Ukraine kéo dài cuộc chiến với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực nhằm buộc nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà những người chỉ trích lo ngại sẽ có lợi cho Mát-xcơ-va.

Cáo buộc Ukraine kéo dài cuộc chiến với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực nhằm buộc nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà những người chỉ trích lo ngại sẽ có lợi cho Mát-xcơ-va.


Tên lửa Nga tấn công thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: Guardian

 

Phát biểu ngày 23-4, Tổng thống Trump nói rằng ông tin Nga đã đồng ý một thỏa thuận để chấm xung đột ở Ðông Âu. Ngược lại, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết tiến trình đàm phán với nhà lãnh đạo Ukraine đến nay vẫn hết sức khó khăn.

Trước đó vài giờ, Tổng thống Trump đăng đàn chỉ trích người đồng cấp Ukraine trên nền tảng mạng xã hội Truth Social liên quan tuyên bố của ông Zelensky về tiến trình đàm phán. Cụ thể, Tổng thống Ukraine khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại với Nga nhưng Mát-xcơ-va trước tiên cần chấp nhận lệnh ngừng bắn hoàn toàn. Ngoài ra, Kiev kiên quyết không đồng ý một thỏa thuận trong đó công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea đã sáp nhập từ năm 2014.

Theo giới quan sát, bất kỳ động thái nào công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea sẽ đảo ngược chính sách kéo dài một thập kỷ của Mỹ và làm đảo lộn sự đồng thuận rộng rãi sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, rằng biên giới quốc tế không nên thay đổi bằng vũ lực. Ðược biết, tuyên bố năm 2018 do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra đã gọi bán đảo Crimea là “lãnh thổ bị chiếm giữ bằng vũ lực vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ðáp lại, ông Trump chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine “kiêu căng” và những phát biểu mang tính “kích động” như trên chỉ khiến nỗ lực giải quyết xung đột trở nên khó khăn hơn. Xét tới hoàn cảnh bất lợi hiện nay của Ukraine trên chiến trường, ông Trump cảnh báo Tổng thống Zelensky cần nhượng bộ để đảm bảo hòa bình hoặc phải chiến đấu thêm 3 năm nữa trước khi mất quyền kiểm soát cả đất nước.

Tiến trình đàm phán khó khăn

Phát biểu và bài đăng của Tổng thống Trump là dấu hiệu mới nhất cho thấy thái độ không hài lòng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với Tổng thống Zelensky sau vụ tranh cãi vào tháng 2 tại Phòng Bầu dục. Mặt khác, bình luận của ông Zelensky cho thấy Kiev sẵn sàng đẩy lùi áp lực đạt được thỏa thuận bằng mọi giá từ Mỹ.

Diễn biến này xảy ra ngay sau khi một cuộc họp ở London (Anh) nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine bị hạ cấp do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đảo ngược kế hoạch tham dự do “các vấn đề hậu cần”, làm phức tạp thêm nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Âu. Tại cuộc họp trước đó ở Paris (Pháp), các quan chức Mỹ đã trình bày với châu Âu và Ukraine đề xuất mới nhằm chấm dứt chiến tranh, trong đó nội dung chính tập trung vào ý tưởng “đóng băng” xung đột dọc theo các chiến tuyến hiện có. Trong một xác nhận, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết Washington sẽ tìm cách “đóng băng” các ranh giới lãnh thổ ở một mức độ nào đó gần với vị trí hiện tại. Ðiều này đồng nghĩa cả Ukraine lẫn Nga đều sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát đối với một số khu vực.

Nói với tờ Guardian, 3 nguồn tin tiết lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát tín hiệu sẵn sàng cho các lệnh “đóng băng” ở tiền tuyến và từ bỏ yêu sách đối với 4 khu vực thuộc Ukraine mà Ðiện Kremlin đã tuyên bố sáp nhập trước đó. Ðổi lại, ông Putin yêu cầu Mỹ công nhận Crimea thuộc Nga và ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO); đồng thời nới lỏng biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ thông tin trên và coi đây là nỗ lực nhằm tác động đến các nhà đàm phán. Quan điểm của Nga cũng cho rằng sự sụp đổ của cuộc đàm phán ở London cho thấy khoảng cách lớn giữa các quan chức Ukraine và Mỹ về những đường nét cơ bản của thỏa thuận hòa bình tiềm năng.

Hiện tại, thái độ cứng rắn của Mỹ trong nỗ lực buộc Kiev phải ký kết thỏa thuận đang dấy lên quan ngại ở châu Âu. Trong đó, những người chỉ trích coi các đề xuất hòa bình mà Nhà Trắng đưa ra là hành động “đầu hàng” trước lợi ích của Nga trong cuộc xung đột kéo dài 3 năm, kéo theo những tổn hại về an ninh cho khu vực. Ðáp lại, Phó Tổng thống Vance lần nữa cảnh báo rằng Washington có thể từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột nếu không có dấu hiệu tiến triển. Trước đó, Tổng thống Trump nói rõ Nhà Trắng có thể tiếp tục đàm phán với điều kiện 2 bên liên quan cho thấy sự nhiệt tình muốn chấm dứt xung đột; hoặc Mỹ sẽ từ bỏ các nỗ lực chấm dứt chiến tranh nếu không sớm đạt được thỏa thuận.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Bloomberg)

Other news

Mỹ thừa nhận Houthi bắn hạ liên tiếp 7 chiếc UAV vũ trang MQ-9 Reaper
Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, Mỹ đã mất 7 MQ-9 Reaper khi những chiếc UAV này đang thực hiện các phi vụ tấn công hoặc trinh sát và bị bắn rơi.
Ấn Độ và Pakistan bên bờ vực xung đột 
Hai nước láng giềng được vũ trang hạt nhân là Ấn Ðộ và Pakistan đã tiến gần hơn đến xung đột quân sự khi Islamabad đóng cửa không phận đối với các máy bay của New Delhi, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của quốc gia láng giềng nhằm can thiệp vào nguồn cung cấp nước sẽ bị coi là hành động tuyên chiến.
Chủ tịch nước Lương Cường thăm cấp Nhà nước đến Lào 
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 15h ngày 24-4, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Viêng Chăn, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào từ 24- 25/4
Động đất tại Istanbul có thể là dấu hiệu cho trận động đất lớn hơn 
Trận động đất với độ lớn 6,2 tại Istanbul hôm 23-4 có thể là dấu hiệu cho trận động đất lớn hơn với độ lớn từ 7 - 7,2, dự kiến xảy ra trong giai đoạn 2045-2075. Ðây là nhận định của chuyên gia địa chấn học Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Ercan với hãng tin RIA Novosti.
Nhiều loại rượu vang châu Âu nhiễm 'hóa chất vĩnh cửu TFA' ở mức báo động
Một nghiên cứu mới do Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu châu Âu (PAN Europe) công bố cho thấy rượu vang sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây đều bị phát hiện nhiễm acid trifluoroacetic (TFA).
Top