04/04/2025
x
+
aa
-

Dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng, sởi diễn biến phức tạp

Dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng tại TP.HCM, trong khi đó dịch sởi diễn biến phức tạp tại một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên, miền Bắc.

Ngày 17/3, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua (tuần 11), dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TPHCM đều tăng.

Trong khi đó, dịch bệnh sởi giảm tại TP.HCM và miền Nam, nhưng có nguy cơ bùng phát tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên, miền Bắc.

Tình hình dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM đang tăng

ẢNH: DUY TÍNH

Cụ thể, tuần qua, TP.HCM có 408 ca sốt xuất huyết (có 7 ca nặng), tương đương trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2025 đến nay tại TP.HCM là 7.707 ca, tăng 127,6% so với cùng kỳ 2024 và tăng 35% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2022 - 2024. Tuýp gây bệnh Dengua 2 chiếm ưu thế.

Dịch bệnh tay chân miệng cũng đã gia tăng từ tuần thứ 9 đến nay. Trong tuần 11, TP.HCM có 105 ca bệnh tay chân miệng, tăng 105% so với trung bình 4 tuần trước. Như vậy, từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM có 1.555 bệnh tay chân miệng, tăng 86,7% so với cùng kỳ 2022 - 2024. Chưa ghi nhận do tác dân EV71.

"Tháng 3 bắt đầu gia tăng bệnh tay chân miệng. HCDC đề nghị các bệnh viện lấy 22 mẫu/tuần các ca có chẩn đoán tay chân miệng độ 1 và tất cả ca độ 2b, gửi về HCDC để giám sát tác nhân. Các trung tâm y tế tập trung điều tra dịch tễ, giám sát ổ dịch, nhất là trong trường học", bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC đề nghị.

Về dịch bệnh sởi, trong tuần qua TP.HCM có 270 ca mắc, trong đó có 146 ca ngoại trú, không có ca cần hỗ trợ hô hấp. Theo bác sĩ Nga, xu hướng ca mắc sởi giảm từ đầu năm 2025 đến nay. Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi tại TP.HCM đạt gần 100%. 

Tuy nhiên, nhưng vẫn còn ghi nhận những ca mắc, đặc biệt là trong độ tuổi từ 1 - 5. Qua khảo sát của HCDC thì đây là những ca mắc do biến động dân cư và rà soát đối tượng ở một số địa bàn còn sót.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, dịch sởi ở khu vực phía nam và TP.HCM ổn. Tuy nhiên, dịch bệnh này diễn biến khá phức tạp ở khu vực miền trung, tây nguyên và phía bắc. 

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao ban trực tuyến với tất cả tỉnh, thành phố cả nước để nhắc nhở chống dịch sởi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn nhắc nhở về tiêm chủng vắc xin sởi, rà soát và tăng nhanh tốc độ tiêm, kết thúc chiến dịch tiêm trong tháng 3 này.

Trước đó, ngày 14/3, Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn công bố hết dịch bệnh nhóm B, C trên địa bàn./.

Bộ Y tế nhận 500.000 liều vắc xin để phòng chống dịch bệnh sởi

Trong ngày 17/3, Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đã trao tặng cho Bộ Y tế 500.000 liều vắc xin sởi. Số vắc xin này sẽ được Bộ Y tế đưa về các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch sởi để tiêm cho người dân.

Theo Bộ Y tế, vắc xin sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ tháng 10.1985. Sau 40 năm tiêm, tỷ lệ mắc sởi đã giảm rõ rệt, từ 112,8/100.000 dân vào năm 1986, xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010.

Tuy nhiên, còn những đợt bùng phát dịch sởi theo chu kỳ khoảng 5 năm, như đợt dịch sởi vào năm 2014-2015, 2019-2020 và đợt này là 2024-2025.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi, 5 ca tử vong liên quan đến sởi. Số ca nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây nguyên (8,7%). 

Hầu hết các ca mắc sởi là không tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi, hay chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Duy Tính (Theo Thanh Niên)

Nguồn:https://thanhnien.vn/dich-benh-sot-xuat-huyet-va-tay-chan-mieng-tang-soi-dien-bien-phuc-tap-185250317163409787.htm

Other news

Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga
Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã chủ động theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình các ca bệnh.
Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 
(CT) - Ngày 3-4, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi.
Cần Thơ tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi 
(CT) - Ngày 2-4, TP Cần Thơ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 tại điểm tiêm ở tất cả các trạm y tế. Chiến dịch diễn ra từ ngày 2 đến 5-4-2025.
Đã tiêm được 682.000 mũi vaccine phòng bệnh sởi trên toàn quốc
Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi được triển khai thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố có nguy cơ. Đối tượng tiêm là các trẻ trong độ tuổi từ 6-9 tháng tuổi; từ 1-5 tuổi và từ 6-10 tuổi.
Sữa chua giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng 
Gần đây, số người dưới 55 tuổi mắc ung thư đại trực tràng đã tăng gấp đôi trên toàn cầu, với số ca mới chẩn đoán tăng gần 20%. Tin vui là một nghiên cứu mới công bố gần đây phát hiện việc thường xuyên tiêu thụ sữa chua có tác dụng giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Top