Duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập
(CT) - Thực hiện Công văn số 1581/BGDÐT-GDPT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Giám đốc Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Công văn nêu trên; đồng thời, tham mưu UBND thành phố đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Một buổi học của cô trò Trường Tiểu học Ðịnh Môn 2. Ảnh: B.NG
Theo Công văn số 1581/BGDÐT-GDPT, các địa phương cần rà soát kỹ các nhiệm vụ quản lý giáo dục; việc phân định cần rõ ràng giữa cấp tỉnh và cấp xã. Các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục phải bảo đảm thông suốt, ổn định; tránh mọi tác động làm xáo trộn đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. Bộ yêu cầu giao các nhiệm vụ chuyên môn như quản lý nhân sự, ngân sách, biên chế, vị trí việc làm cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Sở GD&ÐT là đơn vị chủ trì thực hiện, điều này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh chia cắt, gián đoạn trong toàn hệ thống. Việc tuyển dụng, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ giáo viên phải được thực hiện tập trung tại cấp tỉnh, đây là cách để xử lý hiệu quả tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, đồng thời, giúp cân đối nhân lực trong toàn ngành. Bộ cũng nhấn mạnh địa phương cần giao đầu mối quản lý giáo dục cho cấp có đủ năng lực (bao gồm nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất). Nhiệm vụ chuyên môn phải giao cho Sở GD&ÐT. Nhiệm vụ hành chính, quản lý theo địa bàn có thể phân cho cấp xã, tuy nhiên, cần gắn phân cấp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả giáo dục tại chỗ.
Thực hiện theo Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, chính quyền cấp xã sẽ trực tiếp quản lý các trường mầm non, tiểu học và THCS. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn giữ nguyên, không tổ chức lại nhằm ổn định hệ thống và tránh xáo trộn không cần thiết.
B.NG