Gỡ khó về thể chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội
Thời gian qua, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP Cần Thơ rất lớn, nhưng việc phát triển loại hình nhà ở này vẫn gặp nhiều khó khăn. Các rào cản pháp lý, thiếu quỹ đất và vướng mắc trong thủ tục tiếp cận vốn vay ưu đãi đang là những trở ngại chính. Vì vậy, thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển NƠXH, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Dự án chung cư nhà ở xã hội Hồng Loan 5C.
Cân đối nhu cầu đầu tư
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện nay, thành phố có 6 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp với diện tích đất 8,66ha, trong đó: 3 dự án đã hoàn thành công trình đưa vào sử dụng có 587 căn hộ và diện tích sàn 31.626,8m2; 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với khoảng 3.128 căn, diện tích sàn 249.143,4m2. Trong đó, đã hoàn thành 644 căn. Trong năm 2023, Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét, công bố đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai đối với 1.151 căn hộ NƠXH (Chung cư NƠXH Hồng Loan 5C và Chung cư NƠXH Nam Long 2). Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã công bố 204 hồ sơ đủ điều kiện mua NƠXH đối với 3 dự án NƠXH trên địa bàn.
Ðối với hình thức phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong và ngoài khu công nghiệp, thành phố đã bàn giao cho Tổng LÐLÐ Việt Nam khoảng 3ha để triển khai thủ tục thực hiện dự án Thiết chế công đoàn tại khu tái định cư và nhà ở công nhân khu công nghiệp Trà Nóc 2, thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ để xây dựng khu NƠXH tập trung cho khu công nghiệp với quy mô dự kiến là 304 căn hộ (diện tích 28.165m2). UBND quận Ô Môn đã phê duyệt Ðồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu quy hoạch xây dựng Thiết chế Công đoàn tại Quyết định số 6753/QÐ-UBND ngày 30-11-2022. Hiện dự án đang hoàn chỉnh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Nhìn chung, nhu cầu về NƠXH tại thành phố hiện rất lớn so với các dự án đã và đang đầu tư, đối tượng công nhân tại thành phố có đặc điểm riêng là lao động còn mang tính thời vụ (khi hết vụ mùa nông nghiệp thì đến thành phố làm công nhân, sau đó lại về làm nông nghiệp tại quê nhà) do đó công nhân cần thuê nhà hơn là mua hoặc thuê mua NƠXH, trong khi các chủ đầu tư chưa tham gia vào đầu tư dạng nhà ở này vì không đảm bảo lợi nhuận do phải bảo trì và quản lý vận hành suốt vòng đời dự án thay vì bán cho các đối tượng và quyết toán xong dự án, thu hồi vốn.
Qua rà soát, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn theo quy định phải dành 20% quỹ đất ở để xây dựng NƠXH hiện rất lớn nhưng nhà đầu tư phần lớn không ưu tiên đầu tư trực tiếp theo quy định nên vẫn còn “để dành” chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc chậm đưa vào đầu tư mà ưu tiên đầu tư khu vực thương mại có giá trị cao khác trong dự án. Thành phố chưa áp đặt trách nhiệm và thu hồi quỹ đất này do quy định ưu tiên cho nhà đầu tư trực tiếp đầu tư, khi nào không đầu tư mới giao lại cho Nhà nước. Ngoài ra thành phố cũng khó dành thêm quỹ đất để đầu tư khu NƠXH độc lập vì khả năng dẫn đến thừa quỹ đất xây dựng NƠXH trên toàn địa bàn.
Gỡ khó về thể chế
Thời gian qua, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đều bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NÐ-CP ngày 20-10-2015 và Nghị định số 49/2021/NÐ-CP ngày 1-4-2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH bước đầu đã góp phần giải quyết được nhu cầu của các đối tượng có khó khăn về nhà ở, đảm bảo cho an sinh xã hội. Ðối với các dự án đang triển khai thực hiện có quy mô dưới 10ha, các chủ đầu tư hầu hết đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%. Số tiền thu thành phố dành để phục vụ cho việc đầu tư phát triển NƠXH trên địa bàn. Tuy nhiên do đa số chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy mô dưới 10ha đất lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm NƠXH nên quỹ đất để phát triển NƠXH còn hạn chế, việc triển khai các khu NƠXH tập trung chậm.
Thời gian gần đây, thành phố chưa có các dự án đầu tư nhà ở thương mại mới được phê quyệt chủ trương đầu tư nên quỹ đất cho NƠXH còn hạn chế. Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, đối với các dự án BÐS thực hiện theo Luật Ðầu tư thành phố đã chủ động rà soát, giám sát nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ theo quy định. Hiện nay, việc xác định các dự án có giá trị thương mại cao để đưa vào đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư còn nhiều khó khăn do chưa có đủ cơ sở để xác định giá trị thương mại của dự án. Vì vậy từ năm 2018 đến nay chưa có dự án mới thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Ðồng thời thành phố cũng tiến hành thu hồi một số dự án chưa triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hiện trạng nhiều dự án khu đô thị đã triển khai theo Luật Ðầu tư không thể thu hồi để đấu thầu lại nên thành phố đề xuất Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này để thống nhất hướng giải quyết cũng như chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Luật Ðất đai 2024.
Hiện nay, về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thành phố đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu các quận. Theo đó, các đồ án quy hoạch phân khu đã có đề xuất về nguyên tắc và tính toán quỹ đất dành cho việc xây dựng mới, bao gồm bố trí quỹ đất NƠXH đảm bảo đồng bộ, phù hợp quy định pháp luật. Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến vấn đề thể chế, cơ chế nhằm xác định quỹ đất để bố trí NƠXH, thành phố đã kiến nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Bổ sung cơ chế về ưu tiên phân kỳ đầu tư, theo hướng ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng khu vực NƠXH ngay giai đoạn đầu triển khai dự án. Ưu điểm của việc bổ sung cơ chế này là ưu tiên hỗ trợ chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng tại vị trí dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH vì khu vực này càng sớm đầu tư đưa vào sử dụng thì hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội rất cao. Trong quá trình thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cần quy định rõ: “ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng khu vực NƠXH ngay giai đoạn đầu triển khai dự án (hoặc phân kỳ đầu tiên nếu dự án có phân kỳ) và cam kết thực hiện sớm có thời gian rõ ràng (có thể vận dụng quy định quá 24 tháng không đưa đất vào sử dụng) nếu quá thời gian đó mà không tiến hành đầu tư thì thành phố thu hồi lại để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”. Quy định này sẽ thúc đẩy các Chủ đầu tư sớm thực hiện dự án, tăng quỹ NƠXH cho thành phố. Bên cạnh đó cần đơn giản hóa công tác xét duyệt đối tượng hưởng chính sách NƠXH và bám sát vào quy định của Luật Nhà ở 2023. Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với Tổng LÐLÐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn xác nhận đối tượng được hưởng chính sách NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở. Ðồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn để thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án về NƠXH trong thời gian tới.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN