Hệ thống “Vòm vàng” đầy tham vọng của ông Trump
Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thiết kế của hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm vàng” (Golden Dome) và bổ nhiệm người đứng đầu chương trình đầy tham vọng này.
Tổng thống Trump công bố thiết kế của hệ thống “Vòm vàng” tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images
Theo Tổng thống Trump, hệ thống “Vòm vàng”, với tổng kinh phí lên tới 175 tỉ USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông vào tháng 1-2029. Ðể triển khai dự án, ông đã bổ nhiệm Tướng Không quân Michael Guetlein, hiện đang giữ chức Phó chỉ huy các hoạt động không gian tại Lực lượng Không gian Mỹ, làm người đứng đầu giám sát.
Ngăn chặn nhiều mối đe dọa tên lửa
Hệ thống “Vòm vàng” sẽ được triển khai toàn diện trên đất liền, trên biển và trên không, để tạo thành một lá chắn phòng thủ hoàn chỉnh bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Tổng thống Trump nhấn mạnh hệ thống mới sẽ được trang bị công nghệ “thế hệ tiếp theo” với khả năng đánh chặn các tên lửa từ mọi nguồn, trong đó có cả những tên lửa được phóng từ khoảng cách xa hoặc không gian.
Ðánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc cho thấy những mối đe dọa mà Mỹ cần đối phó trong thập niên tới sẽ mở rộng cả về quy mô và mức độ tinh vi như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), tên lửa hành trình tấn công mặt đất và hệ thống ném bom quỹ đạo phân đoạn.
Theo đó, Trung Quốc và Nga đang phát triển một loạt vũ khí mới để khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ, song tên lửa đạn đạo truyền thống sẽ vẫn là mối đe dọa chính đối với nước này. CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đủ sức vươn tới Mỹ, trong khi Iran có thể sở hữu 60 ICBM vào năm 2035.
Tài liệu cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ tăng số lượng SLBM vào năm 2035 và không nơi nào ở Mỹ tránh khỏi các SLBM hiện có của Bắc Kinh. Nga cũng có vũ khí tương tự.
Ngoài các loại tên lửa trên, DIA lo ngại Nga và Trung Quốc sẽ tăng gấp nhiều lần vũ khí siêu vượt âm vào năm 2035 khi các hệ thống này có thể giúp 2 nước tiếp cận một số khu vực của Mỹ. Năng lực tên lửa hành trình tấn công mặt đất của Nga và Trung Quốc cũng sẽ tăng đáng kể vào thời điểm đó.
Cuối cùng, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh dự kiến sẽ có hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn vào năm 2035. Những phương tiện này quay quanh Trái đất và bay qua Nam Cực để tránh bị phát hiện sớm.
Vướng nhiều rào cản
Thông báo của Tổng thống Trump đã khởi động nỗ lực thử nghiệm của Lầu Năm Góc và cuối cùng là mua tên lửa, cảm biến và vệ tinh sẽ cấu thành “Vòm vàng”.
Tuy nhiên, hệ thống này đã vấp phải sự soi xét về chính trị và không chắc chắn nguồn tài trợ. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bày tỏ lo ngại đối với quá trình mua sắm và sự tham gia của hãng công nghệ SpaceX thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk, đồng minh thân cận của vị tổng thống đảng Cộng hòa. SpaceX đang nổi lên như một ứng viên hàng đầu chế tạo các thành phần chính của “Vòm vàng”, lá chắn có thể cần tới hàng trăm vệ tinh.
Vào đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chỉ riêng các thành phần trên không gian của “Vòm vàng” có thể tốn tới 542 tỉ USD trong 2 thập niên tới. Cơ quan này lưu ý rằng hệ thống trên không gian cần lượng lớn cảm biến và thiết bị đánh chặn để hoạt động hiệu quả.
Thế nhưng, ông Trump đã công bố chi phí và mốc thời gian xây dựng thấp hơn nhiều. Cho đến nay, nguồn tài trợ cho chương trình cũng chưa được đảm bảo. Hôm 20-5, chủ nhân Nhà Trắng cho biết ngân sách năm tới sẽ trích 25 tỉ USD cho giai đoạn đầu xây dựng dự án, mặc dù dự luật ngân sách vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Về mặt kỹ thuật, việc bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của Mỹ trước một ICBM đang bay tới phức tạp hơn nhiều so với Israel ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa nhỏ hơn. Mỹ có diện tích lớn gấp 400 lần so với Israel. Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã muốn sở hữu một hệ thống phòng không tương tự như “Vòm sắt” của Israel.
Dự án “Vòm vàng” mang đến cho ông Trump cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Vào thập niên 1980, ông Reagan đã chi hàng tỉ USD xây dựng lá chắn mang tên Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược nhằm bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng. Sáng kiến này cuối cùng đã thất bại vì những thách thức về công nghệ và ngân sách.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)