Trung Quốc, Pakistan “kết nạp” Afghanistan vào CPEC
Trong cuộc đàm phán không chính thức hôm 21-5, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan đã cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng và an ninh. Cuộc họp 3 bên với sự tham gia của Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi đánh dấu chương mới trong quan hệ giữa 3 nước trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở khu vực Nam Á và Trung Á.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp hôm 21-5. Ảnh: Weekly Blitz
Trong tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Pakistan chia sẻ trên mạng xã hội X, 3 nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy an ninh khu vực và hội nhập kinh tế. “Các Bộ trưởng Ngoại giao tái khẳng định hợp tác 3 bên là nền tảng quan trọng để thúc đẩy an ninh khu vực và kết nối kinh tế, qua đó nhấn mạnh cam kết chung về các bước đi thiết thực trong ngoại giao, thương mại và phát triển” - tuyên bố có đoạn viết.
Tờ Weekly Blitz cho biết, trọng tâm của liên minh mới nổi nói trên là mở rộng phạm vi tiếp cận của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” tới Afghanistan bằng cách “kết nạp” Kabul vào Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỉ USD. Động thái này đánh dấu chương mới trong quan hệ giữa 3 nước, bởi Trung Quốc lâu nay luôn thận trọng với chế độ Taliban ở Afghanistan.
Giới phân tích cho rằng việc kết nạp Afghanistan vào liên minh Trung Quốc - Pakistan vừa mới lạ vừa có ý nghĩa. Dưới thời chính quyền Taliban, Afghanistan đã phải vật lộn để có được sự công nhận của quốc tế và bị cô lập về kinh tế. Do đó, Amin Stanikzai, nhà kinh tế và giảng viên tại Viện Giáo dục Đại học Rokhan, cho rằng liên minh này mang đến “cơ hội quan trọng” để Afghanistan thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế không chỉ với Trung Quốc, Pakistan mà còn với các nước Trung Á láng giềng.
“CPEC có thể đóng vai trò là giao điểm của Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan, cũng như của Nam Á và Trung Á. Do đó, nó có lợi cho Afghanistan, quốc gia không giáp biển và không có đường ra biển” - ông Stanikzai, cho biết.
Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào năm 2021, nền kinh tế nước này đã bị các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động nghiêm trọng trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Ông Stanikzai cho rằng nếu được quản lý tốt, dự án có thể đóng góp vào sự ổn định và phát triển chung trong khu vực; cải thiện kết nối và khả năng tiếp cận của Afghanistan với các thị trường khu vực và quốc tế.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)