06/07/2025
x
+
aa
-

Khi cộng đồng cùng tạo 'hàng rào' miễn dịch sởi

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành Y tế tỉnh tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng.
Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do lây lan mạnh qua đường hô hấp. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành Y tế tỉnh Long An tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ liều.

Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Bệnh sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể.

Những tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa,... Đối với phụ nữ mang thai, mắc virút sởi cũng như các virút khác như Rubella, thủy đậu,... đặc biệt là mắc vào 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh, dị dạng thai, thai chết lưu, sinh non cho bé cùng các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng khác.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời

Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 500 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 91% ca chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng. Địa phương có số ca mắc cao là huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, ngành Y tế tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin; triển khai xử lý triệt để các ca bệnh/ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, tổ chức tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Công tác truyền thông cho bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng đến ngay cơ sở y tế để tiêm các mũi vắc-xin cho trẻ nếu chưa được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được đẩy mạnh”.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi. Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (phường 4, TP.Tân An) chia sẻ: “Khi trạm y tế thông báo tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, tôi liền đưa con đi tiêm. Tôi rất lo lắng con đi học có thể lây bệnh từ các bạn nên tranh thủ đưa con đi tiêm đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế”.

Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi khi trẻ được 9 tháng và 18 tháng tuổi sẽ giúp tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên hơn 95%. Vì vậy, cùng với những nỗ lực phòng, chống dịch của ngành Y tế, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế./.

Để phòng, chống bệnh sởi,  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin phòng sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Huỳnh Hương

Other news

Mối liên hệ bất ngờ giữa bữa ăn tối và nguy cơ gặp ác mộng 
Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Frontiers in Psychology, việc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định - gồm các chế phẩm từ sữa, món tráng miệng/đồ ngọt, thức ăn cay, thịt và ngũ cốc - vào buổi tối
Lưu ý chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường 
Theo các thống kê, khoảng 5-7% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng loét bàn chân. Cứ mỗi 30 giây, thế giới có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân.
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park 
Ngày 5/7/2025, Hệ thống Y tế Vinmec chính thức khai trương Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Grand Park tại Tầng L2, TTTM Vincom Mega Mall, khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.HCM).
Nhu cầu tuyển dụng khối ngành sức khỏe tại các bệnh viện ra sao?
Tại ngày hội việc làm khối ngành sức khỏe do một trường ĐH tổ chức, đại diện các bệnh viện, hệ thống nhà thuốc đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng trong thời điểm hiện tại và chia sẻ các kiến thức, kỹ năng sinh viên cần rèn luyện.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện ở miền Tây 
(CTO) - BS CKII Huỳnh Minh Phú, Giám đốc Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ vừa gởi công văn đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long
Top