Kỷ nguyên mới khó đoán định của chính quyền Trump 2.0
Trong bài phát biểu đầy phấn khích theo phong cách đặc trưng trước một ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết hành động với “tốc độ mạnh mẽ chưa từng có” để giải quyết mọi khủng hoảng mà xứ cờ hoa đang đối mặt.
Ông Trump tham gia một sự kiện trước ngày nhậm chức. Ảnh: Reuters
Ngày 19-1, ông Trump có buổi mít tinh ăn mừng chiến thắng rất khác so với bất kỳ sự kiện tương tự nào. Theo đó, hàng ngàn người đã xếp hàng bên ngoài nhà thi đấu Capital One Arena của thủ đô Washington DC trong một ngày lạnh giá, xám xịt và đầy tuyết để chờ nghe những hứa hẹn về sự thay đổi toàn diện trong “cuộc tấn công” của chủ nghĩa dân túy.
“Chúng ta đã thắng. Mọi sắc lệnh hành pháp cực đoan, ngớ ngẩn của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bị bãi bỏ trong vài giờ sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức. Khép lại 4 năm đất nước suy tàn, chúng ta bắt đầu ngày hoàn toàn mới với sức mạnh và sự thịnh vượng, phẩm giá và niềm tự hào của nước Mỹ” - ông Trump tuyên bố.
Theo hãng tin AP, ông Trump đã vạch ra chương trình nghị sự rộng khắp kết hợp các cách tiếp cận bảo thủ truyền thống. Nhưng với lượng thông tin rất ít hiện có, giới phân tích đang trông đợi những manh mối đầu tiên có trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ 2 của ông Trump. Ðối với cánh hữu, nó mang tới hy vọng về tương lai đất nước quay lại với các giá trị xã hội bảo thủ và ưu tiên lợi ích kinh tế của người dân. Nhưng với hàng triệu người cánh tả, sự trở lại của nhà lãnh đạo theo “chủ nghĩa bản địa và hẹp hòi” như ông Trump là khởi đầu cho “kỷ nguyên đen tối” khiến những người vốn thiệt thòi dễ bị tổn thương hơn.
Theo dự đoán, phiên bản “Trump 2.0” sẽ chứng kiến những thay đổi sâu sắc trên nhiều phương diện của đời sống Mỹ bao gồm nhập cư, năng lượng, văn hóa, giáo dục và chính sách đối ngoại. Trước mắt, vấn đề nhập cư bất hợp pháp tiếp tục ưu tiên với những cải cách “sâu sắc và gây tranh cãi”. Theo tuyên bố của ông Trump, Washington sẽ chấm dứt mọi chính sách biên giới mở và khởi động chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ. Ông cũng đề xuất cấm quyền công dân theo nơi sinh, áp dụng lại nhiều chương trình của nhiệm kỳ đầu như hạn chế người di cư vì lý do sức khỏe cộng đồng và kiểm soát nghiêm ngặt hoặc cấm người nhập cảnh từ một số nước theo đạo Hồi. Mục đích là “khôi phục biên giới nước Mỹ mà thế giới từng chứng kiến”.
Vấn đề được quan tâm nữa là đề xuất mới tập trung vào tầng lớp lao động và trung lưu ở Mỹ như miễn thuế thu nhập cho tiền boa, tiền an sinh xã hội và lương làm thêm giờ. Bên cạnh đó là quy định về thuế, chủ yếu cam kết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% hiện tại xuống còn 15%. Chương trình này cùng với việc bãi bỏ quy định về năng lượng có khả năng làm giàu cho các tỉ phú và doanh nghiệp lớn, nhưng nợ quốc gia gần như chắc chắn tăng lên.
Còn về thương mại quốc tế, ông Trump đề xuất mức thuế từ 10% - 20% với hàng hóa nước ngoài, thậm chí có thể cao hơn. Ðây là vấn đề gây lo lắng trên toàn cầu và cũng là lý do khiến các nhà lãnh đạo thế giới thận trọng trong các bình luận về tổng thống mới của Mỹ. Theo giới quan sát, mức thuế lớn áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể làm đảo lộn kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng. Nó cũng đẩy giá cả ở Mỹ lên cao, làm suy yếu cam kết của ông Trump giảm chi phí cho người dân.
Nhìn chung, người Mỹ không bị thuyết phục về các chính sách của ông Trump. Theo thăm dò của trang tin NPR, mọi người bị chia rẽ về lệnh trục xuất hàng loạt; đồng thời không tin vào kế hoạch thuế quan với gần 1/2 người được hỏi cho rằng các cam kết gây hại nhiều hơn là giúp cho kinh tế Mỹ.
Bà Stacy Dixon sẽ đảm nhiệm quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Theo thông báo ngày 19-1 của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Stacy Dixon sẽ giữ chức quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Bà Dixon, người đã đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia từ tháng 8-2021, sẽ tạm thời lãnh đạo cơ quan này trong thời gian chờ Thượng viện xác nhận ứng cử viên chính thức cho vị trí này. Hồi tháng 11-2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Tulsi Gabbard, cựu nghị sĩ thuộc Ðảng Dân chủ, vào vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ hiện chưa lên lịch điều trần để xác nhận vị trí này cho bà Gabbard, trong bối cảnh một số thượng nghị sĩ lo ngại về kinh nghiệm của bà. Thông tin về việc bà Dixon sẽ đảm nhận vai trò quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết trong nhiệm kỳ thứ hai của mình sẽ xem xét lại các quy trình phân loại tài liệu quan trọng liên quan đến các sự kiện lịch sử của đất nước. |
MAI QUYÊN (Theo Guardian, Sky News)