03/07/2025
x
+
aa
-

Lấy trẻ làm trung tâm trong giáo dục mầm non

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non nỗ lực thực hiện các giải pháp để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm tạo môi trường học tập linh hoạt, gần gũi và giàu tính trải nghiệm cho trẻ.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) nỗ lực thực hiện các giải pháp để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm tạo môi trường học tập linh hoạt, gần gũi và giàu tính trải nghiệm cho trẻ. Trẻ không còn là đối tượng thụ động tiếp nhận kiến thức mà trở thành chủ thể trong quá trình học tập và vui chơi. Cách tiếp cận này không chỉ khơi dậy sự hứng thú, sáng tạo của trẻ mà còn góp phần từng bước nâng cao chất lượng GDMN bền vững.

Lấy trẻ làm trung tâm

Những năm qua, Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (phường Long An, tỉnh Tây Ninh) luôn chú trọng triển khai hiệu quả chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Trong đó, công tác tuyên truyền đến phụ huynh và cộng đồng được trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ ngay từ những năm đầu đời. Để giúp phụ huynh và cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trường đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt.

Từ các buổi họp phụ huynh, bản tin trường, “góc tuyên truyền” đặt tại cổng và sân trường đến ứng dụng công nghệ thông tin như Zalo nhóm lớp, fanpage,... tất cả đều góp phần kết nối, chia sẻ thông tin kịp thời, giúp phụ huynh đồng hành cùng con trong quá trình học tập và trải nghiệm.

Không gian lớp học được trang trí sinh động

Một trong những điểm sáng của trường trong việc lấy trẻ làm trung tâm của trường là tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm như tiệc buffet, hội giảng, lễ hội theo chủ đề,... với sự tham gia tích cực của phụ huynh trong công tác chuẩn bị, tổ chức gian hàng, nấu ăn, trang trí.

Hay thông qua các ngày hội như Bé vui đón tết, Ngày hội nghề nghiệp của bé, Hội chợ quê, tham quan di tích văn hóa - lịch sử địa phương,... trẻ được tạo sân chơi vui tươi, bổ ích, ý nghĩa; đồng thời, qua đó phụ huynh thấu hiểu quá trình học qua chơi - chơi mà học của con.

Ngoài ra, trường còn chú trọng xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho trẻ. Trong lớp học, các góc hoạt động như xây dựng, nghệ thuật, sách truyện, thiên nhiên,... được bố trí khoa học, linh hoạt và cập nhật theo chủ đề mỗi tháng. Không gian lớp học được mở rộng ra cả hiên trước, hiên sau để tận dụng tối đa không gian tổ chức hoạt động cho trẻ. Ngoài trời, sân chơi được trải thảm cỏ nhân tạo xanh mát, an toàn. Dọc lối đi, các bảng thông điệp ý nghĩa như Yêu thương ở đây, Hạnh phúc cũng ở đây,... góp phần hình thành thói quen ứng xử văn minh, thân thiện. Trẻ còn được trải nghiệm trồng rau, chăm sóc cây trong vườn thanh long, mô hình ruộng lúa thu nhỏ, chuồng gà mini,... tạo cơ hội học tập gắn với thực tiễn, gần gũi với đời sống. Không gian sáng tạo còn được mở rộng với các ki-ốt mô phỏng nghề nghiệp như tiệm bánh, nhà may, quầy thuốc Tây,... giúp trẻ hóa thân vào các vai trò xã hội, phát triển kỹ năng sống và hiểu biết nghề nghiệp.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng, môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tại trường ngày càng phong phú, sinh động. Trẻ được phát triển toàn diện trong không gian mở, giàu yêu thương và sáng tạo. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, khẳng định vai trò quan trọng của GDMN trong giai đoạn đổi mới hiện nay.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai - Nguyễn Thị Mai Trinh chia sẻ: “Tạo môi trường xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ là nhiệm vụ của mỗi giáo viên (GV) mà còn là trách nhiệm của phụ huynh và cộng đồng. Công tác tuyên truyền đến phụ huynh và cộng đồng về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là một trong những việc làm cần thiết. Đó là con đường để nâng cao chất lượng GDMN một cách bền vững, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ và góp phần hoàn thiện về nhân cách cho trẻ để đưa chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng đi lên”.

Tạo môi trường học tập thuận lợi cho trẻ

Trường Mầm non Hương Sen (xã Tân Thạnh) xác định rõ: Trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là yếu tố cốt lõi giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm và kỹ năng xã hội; đồng thời, giúp trẻ chủ động, sáng tạo và phát triển khả năng tư duy độc lập. Ở từng lứa tuổi, trường có những giải pháp phù hợp.

Trong đó, đối với trẻ 5-6 tuổi (lớp lá), việc tạo môi trường học tập phong phú sẽ kích thích sự khám phá và học hỏi của trẻ. Từ đó, trường chủ động đổi mới phương pháp, linh hoạt xây dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện, khơi gợi sự hứng thú, sáng tạo cho trẻ lớp lá.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen - Lưu Thị Hồng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của GV để không ngừng tự học, tự bồi dưỡng qua các mô-đun chuyên môn, tài liệu giáo dục hiện đại và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp. Trường cũng khuyến khích GV tham gia thi đua chuyên môn, xây dựng tiết dạy mẫu hay ứng dụng công nghệ như AI, giáo án điện tử,... Qua đó, GV có nền tảng vững chắc về chuyên môn, giúp linh hoạt tổ chức hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.

Trẻ chơi trò chơi ngoài trời

Thực hiện lấy trẻ làm trung tâm, GV của trường trang trí lớp theo từng chủ đề, sử dụng nguyên, vật liệu gần gũi, an toàn, kết hợp sản phẩm học tập của trẻ để tạo nên không gian sinh động, trực quan, hấp dẫn. Các góc chơi được sắp xếp linh hoạt, đổi mới thường xuyên, kết hợp giữa hoạt động trong và ngoài lớp học, giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tưởng tượng và khám phá. Những trò chơi, học liệu phong phú được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn, dễ sử dụng và tạo điều kiện để trẻ chủ động tham gia, lựa chọn hoạt động theo sở thích.

Ngoài ra, trường còn tập trung xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện. Trong mọi hoạt động hàng ngày, GV luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của trẻ, khuyến khích sự tự tin, chủ động. Thầy cô quan tâm đến trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, rèn kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, hợp tác thông qua các hoạt động trò chuyện, xử lý tình huống, giáo dục kỹ năng sống,...

Đồng thời, mối quan hệ giữa GV và phụ huynh được chú trọng thông qua các hình thức trao đổi trực tiếp, họp phụ huynh, chia sẻ hình ảnh hoạt động của trẻ. Nhờ vậy, phụ huynh đồng hành tích cực cùng nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cô Lưu Thị Hồng cho biết: Trường còn chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động. Theo đó, GV sáng tạo trong cách tiếp cận trẻ từ lời chào thân thiện đầu ngày đến những giờ học trải nghiệm, quan sát, khám phá ngoài trời; từ các hoạt động giáo dục mang màu sắc văn hóa dân gian đến hoạt động kỹ năng sống, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, thời trang,...

Qua đó, trẻ không chỉ được học mà còn vui chơi, thể hiện ý tưởng, cảm xúc, phát triển toàn diện. Nhờ sự nỗ lực của các cơ sở GDMN trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trẻ mạnh dạn, tự tin, yêu thích học tập; GV vững chuyên môn, sáng tạo; phụ huynh an tâm, tin tưởng, tích cực đồng hành cùng trường trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thực sự trở thành điểm tựa vững chắc để trẻ phát triển toàn diện, đúng với thông điệp “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”./.

Trong Hội nghị tổng kết chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 6/2025, toàn tỉnh Long An (cũ) có 15 tập thể và 30 cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích tốt trong thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025.

An Nhiên

Top