16/07/2025
x
+
aa
-

Lớp học đặc biệt nơi vùng biên

Trong chùa Svay có một lớp học đặc biệt, bởi các học viên là đồng bào dân tộc Khmer. Điều đặc biệt hơn cả ở “lớp học đặc biệt” này là những giáo viên đứng lớp đều khoác áo cà sa.
Chiều biên giới Ninh Điền, hai hàng cây trải dài rợp bóng, từng cơn gió thổi mát nhẹ. Phía bên trong chùa Svay có một lớp học đặc biệt, bởi các học viên là đồng bào dân tộc Khmer - với nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Điều đặc biệt hơn cả ở “lớp học đặc biệt” này là những giáo viên đứng lớp đều khoác áo cà sa.

Sư Nao Honl - Trụ trì chùa Svay, tại lớp học tiếng Khmer

Giữ gìn tiếng mẹ đẻ

Thường vào mùa hè, nhiều em nhỏ lại háo hức với những chuyến đi chơi, trại hè, hay đơn giản là nghỉ ngơi thư giãn sau một năm học vất vả. Thế nhưng, ở vùng biên giới Ninh Điền - nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, trẻ em lại nao nức đến chùa. Không phải lễ bái, thắp nhang mà là học tiếng mẹ đẻ.

Cứ thế, từ sáng tinh mơ, những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, với làn da ngăm đen thuộc đủ mọi lứa tuổi lại nô đùa, thoăn thoắt bước từng tốp vào lớp học. Các em ngồi đúng vị trí, chăm chú, say sưa nghe các sư giảng bài.

Em Văn Đại (12 tuổi, ngụ xã Ninh Điền) cho biết: “Được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình, em thích lắm! Gia đình cũng muốn cho em đi học vào các năm trước nhưng hoàn cảnh khó khăn, em phải ở nhà giữ em. Dù mới học được 2 tháng nhưng em thuộc được bảng chữ cái, nguyên âm và phụ âm. Em tự tin viết được tên mình và gia đình bằng ngôn ngữ của dân tộc Khmer”.

Xu thế hội nhập, các dân tộc sinh sống đan xen, sử dụng ngôn ngữ phổ thông. Nhiều gia đình người Khmer chỉ biết nói tiếng dân tộc mà không biết viết chữ. Điều này làm ngôn ngữ dân tộc ngày càng mai một. Cách đây 4 năm, chùa Svay mở lớp dạy tiếng Khmer miễn phí cho đồng bào. Và những vị sư đức độ trong tấm áo cà sa đơn sơ trở thành những người thầy đặc biệt của lớp học mùa hè.

Sư Nao Honl - Trụ trì chùa Svay, thông tin: “Chùa đang dạy tiếng Khmer từ lớp 1 đến lớp 4. Tại đây, sư dạy các em từ căn bản với những phụ âm, nguyên âm, cách ráp vần để có thể tự đọc, tự viết. Trung bình các em học khoảng 2 tháng là biết viết và đọc”.

Kết thúc năm học, chùa đều tổ chức kiểm tra, trong đó đạt thì mới xếp lên lớp. Nhằm khuyến khích trẻ em học tiếng mẹ đẻ, chùa còn trao quà cho học sinh giỏi, xuất sắc. Riêng các sư đứng lớp đều trải qua quá trình học tập, rèn luyện; sách vở giảng dạy được mua từ nước bạn Campuchia. Việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc là cách để các sư góp phần cùng địa phương giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa, bản sắc của đồng bào Khmer.

Trẻ em người dân tộc Khmer tại lớp học miễn phí vào mùa hè

Kết nối để phát triển

Chi phí duy trì lớp học hoàn toàn xã hội hóa. Từ tấm lòng của các nhà hảo tâm và của sư Nao Honl, phòng học đơn sơ, không có quạt điện, bàn ghế thì do các sư tự tay đóng đã hình thành. Nhiều em đến lớp với quần áo cũ, không có đủ sách vở, thậm chí có em còn đem theo dụng cụ để mót mì sau khi kết thúc buổi học. Khó khăn trăm bề, thế mà các thầy ở lớp học đặc biệt nơi vùng biên vẫn cần mẫn giảng dạy từng nét chữ, từng âm đọc, như thắp lên ngọn lửa tri thức và tự hào dân tộc trong trái tim trẻ thơ.

Trong lớp học đặc biệt, các vị sư không đơn thuần dạy chữ mà còn dạy văn hóa, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer.

Ông Phan Hồng Quang - Bí thư ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, cho biết: “Người dân tộc Khmer sống tập trung nhiều nhất ở ấp Bến Cừ, với 75 hộ. Điều đáng quý ở những lớp học này, các sư còn dạy các em những điều sâu sắc về đạo lý làm người theo giáo lý Phật giáo Nam Tông Khmer, phong tục, tập quán truyền thống, cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng. Chính lớp học đặc biệt và những người thầy đặc biệt đã kết nối hai nền văn hóa, củng cố thêm tình đoàn kết giữa dân tộc Kinh và Khmer, góp phần làm giàu hơn nữa bản sắc dân tộc”.

Một mùa hè nữa sắp đi qua, số lượng trẻ em biết đọc, biết viết tiếng dân tộc Khmer sẽ lại tăng thêm. Việc này đồng nghĩa tiếng mẹ đẻ của dân tộc này luôn được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ, dẫu vòng xoáy phát triển của thời đại khiến không ít giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một./.

Kim Ngọc

Other news

Lớp học đặc biệt nơi vùng biên
Trong chùa Svay có một lớp học đặc biệt, bởi các học viên là đồng bào dân tộc Khmer. Điều đặc biệt hơn cả ở “lớp học đặc biệt” này là những giáo viên đứng lớp đều khoác áo cà sa.
Việt Nam chính thức có đại học thứ 11
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chuyển Trường đại học (ĐH) Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Với quyết định này, Việt Nam có 11 ĐH.
Mở rộng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên
Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh tổ chức chương trình giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp năm học 2024-2025, giúp các em tìm được việc phù hợp ngành nghề.
Học phí khối ngành nào thấp nhất, có trường chỉ hơn 4 triệu đồng/năm?
Nếu khối ngành sức khỏe được quy định mức học phí cao nhất thì sinh viên khối ngành nghệ thuật được đóng mức học phí thấp nhất. Có trường mỗi năm chỉ thu hơn 4 triệu đồng/sinh viên.
Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động
Các chuyên gia khuyến nghị thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nên chọn ngành phù hợp với bản thân, có triển vọng nghề nghiệp và khả năng thích ứng với chuyển đổi số, AI và thị trường việc làm mới.
Top