Mở rộng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối tháng 7-2024 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,33 triệu tỉ đồng, tăng 5,66% so với cuối năm 2023. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 tăng 15%, có điều chỉnh tùy tình hình thực tế. Theo các chuyên gia, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều, nhưng việc đạt mục tiêu năm 2024 hay không còn phụ thuộc vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.
KienlongBank Chi nhánh Cần Thơ đang triển khai các gói tín dụng “Ưu đãi cực sốc - Tăng tốc kinh doanh” với lãi suất ưu đãi.
Sức hấp thụ vốn nền kinh tế yếu
Trong các tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, đồng thời yêu cầu các TCTD cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành ngân hàng quý III của Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) cho thấy, nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, nhưng tính chung cả năm 2024 lãi suất huy động vẫn giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm so với cuối năm 2023. Ðến cuối tháng 6-2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023 đã góp phần rất lớn trong hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh.
So với cùng kỳ năm 2023, dư nợ tín dụng tăng 14,99% nhưng nhìn chung tín dụng vẫn tăng trưởng chậm so với mục tiêu đề ra. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành ngân hàng quý III của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III-2024 và tăng 14,1% trong năm 2024 (điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo tăng 13,6% cả năm 2024 tại kỳ điều tra trước). Thanh khoản ngân hàng duy trì trạng thái “tốt”, các TCTD dự báo tiếp tục cải thiện trong quý III và cả năm 2024. Ðây là điều kiện để các TCTD đẩy mạnh dòng vốn ra thị trường thời gian tới.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ vừa qua, lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp, lãnh đạo NHNN cho biết, do khó khăn chung của nền kinh tế trong quý đầu năm, nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Nhưng thanh khoản ngân hàng đang dồi dào, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng, các TCTD sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, sản xuất đã bắt đầu phục hồi tốt hơn vào đầu quý III, nên dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kỳ vọng đạt mục tiêu
Tăng trưởng tín dụng thấp do sức khỏe của doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn cùng với khó khăn chung về thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam tháng 7-2024 đạt 54,7 điểm; đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp Chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 điểm - ngưỡng khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh. Ðơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, làm tăng kỳ vọng về niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp. Ðây là động lực để ngành sản xuất tăng tốc đạt mục tiêu năm 2024, đồng thời tạo lực đẩy cho tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, sau hơn 2 năm chống chịu với dịch COVID-19, doanh nghiệp rất khó khăn. Ðầu năm 2024, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn, nhưng tăng trưởng tín dụng rất thấp, huy động vốn có xu hướng giảm. Sang quý II, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng mới, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản, điều này cũng thúc đẩy tín dụng trên địa bàn thành phố tăng khá cao so với mặt bằng chung trong vùng ÐBSCL. Vốn huy động tại chỗ đã tăng trở lại. Trong tháng 7-2024, tăng trưởng tín dụng cao hơn so với đầu năm, dự báo sẽ tăng nhanh trong các tháng tới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho sự phát triển kinh tế của TP Cần Thơ. Các TCTD trên địa bàn thành phố đều tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của thành phố, tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ cao.
Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, đến cuối tháng 7-2024, hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều có dư nợ cho vay tăng so với cuối năm 2023. Mức tăng cao nhất là cho vay thu mua lúa, gạo tăng 17,53%, dư nợ khoảng 21.400 tỉ đồng; kế đến cho vay xuất khẩu tăng 12,22%, dư nợ đạt 18.500 tỉ đồng; dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản hơn 13.370 tỉ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2023... Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 7-2024 đạt 165.600 tỉ đồng, tăng 5,85% so với tháng 12-2023. Các TCTD còn triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông Ngô Hoàng Khải, Giám đốc KienlongBank Chi nhánh Cần Thơ, KienlongBank ra mắt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm qua Chương trình “Ưu đãi cực sốc - Tăng tốc kinh doanh” áp dụng cho khách hàng mới và giải ngân từ nay đến 31-12-2024, ưu tiên cho khách hàng hoạt động trong ngành Nông nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, KienlongBank cũng đang triển khai gói tín dụng lãi suất 0% với khách hàng cá nhân để kích cầu tiêu dùng.
Còn theo lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - MB chi nhánh Cần Thơ, thời gian qua, chi nhánh đã và đang tập trung tín dụng cho các lĩnh vực trọng tâm của địa phương là lúa gạo và thủy sản, ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh đối với hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong 7 tháng năm 2024, MB tại Cần Thơ tăng trưởng 1.250 tỉ đồng, đạt tổng quy mô khoảng 7.600 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, 70% tập trung cho lúa gạo và thủy sản, 20% cho vay sản xuất kinh doanh hộ kinh doanh, với lãi suất bình quân từ 4 đến 7%/năm tùy kỳ hạn. Các tháng cuối năm, MB chi nhánh Cần Thơ sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đặt ra là tăng 15%, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các TCTD tập trung ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế; chi nhánh NHNN các địa phương chỉ đạo, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gỡ khó trong tiếp cận tín dụng, góp phần đưa tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu.
Bài, ảnh: GIA BẢO