08/07/2025
x
+
aa
-

Mỡ trong máu ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe

Lipid (chất béo) cùng với Protein (chất đạm) và Carbohydrate (chất đường bột) là thành phần chính của tế bào sống, cơ thể chúng ta cần một lượng chất béo nhất định để hoạt động.

Chất béo rất cần thiết để duy trì sức khỏe làn da, bảo vệ tim và ngăn ngừa bệnh mạn tính được khuyến nghị lấy từ nguồn thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn uống nhiều cá, hạt và dầu thực vật để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.

Chất béo thực hiện nhiều chức năng quan trọng như tăng cường sức đề kháng, xây dựng tế bào, duy trì nhiệt độ cơ thể, đặc biệt là tạo nên các hormone sinh dục và nhiều hormone quan trọng khác.

Mỗi gram chất béo chứa 9 calo đây là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nếu muốn tăng cân, chất béo sẽ cung cấp thêm calo mà không cần phải ăn một lượng lớn thức ăn.

Mỡ máu còn gọi là Lipid máu bao gồm Cholesterol và Triglyceride lưu thông trong máu đóng vai trò là nguồn năng lượng.

Thuật ngữ “mỡ máu” chỉ hàm lượng chất béo trong cơ thể, nếu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ đưa đến nguy cơ tích tụ mảng bám trên thành mạch máu, làm tắc nghẽn mạch máu gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Nếu ví lòng mạch máu trong cơ thể chúng ta như đường ống nước, theo thời gian cơ thể bị lão hóa lòng ống nước xuất hiện chất bẩn là mảng xơ vữa, những mảng xơ vữa này tích tụ lại làm hẹp mạch máu có nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu, nếu tạo cục huyết khối gây nghẽn động mạch vành gây ra bệnh nhồi máu cơ tim, nếu nghẽn mạch máu tới não gây ra đột quỵ.

Cholesterol là chất béo được tìm thấy trong mô của người và động vật do gan sản xuất, được máu vận chuyển để cung cấp nguyên liệu cho thành tế bào và kích thích tố.

Cholesterol được sử dụng để tạo cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh và tham gia sản xuất một số loại hormone.

Gan có thể tự sản xuất lượng Cholesterol mà cơ thể cần. Ngoài ra, cơ thể còn tiếp thu Cholesterol từ các thực phẩm như thịt động vật, trứng và sữa.

Cholesterol bao gồm lipoprotein tỷ trọng thấp Low Density Lipoprotein (LDL) còn gọi là “mỡ xấu” và lipoprotein tỷ trọng cao High Density Lipoprotein (HDL) là “mỡ tốt”.

Khi cơ thể có nhiều mỡ tốt thì các động mạch được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng, mỡ tốt còn giúp giảm sự tích tụ mỡ xấu trong mạch máu. Khi nồng độ mỡ xấu trong máu cao sẽ gây ra tình trạng xơ vữa hoặc tắc nghẽn động mạch.

Cùng lưu thông trong máu với Cholesterol còn có chất béo trung tính Triglyceride hiện diện trong máu do gan tạo ra và do thức ăn chuyển hóa mỗi ngày đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất.

Triglyceride rất quan trọng cho sức khỏe được cung cấp từ 2 nguồn: Nội sinh là các tế bào gan có khả năng tự tổng hợp, dự trữ Triglyceride và ngoại sinh là trong quá trình tiêu hóa thức ăn, tại ruột non các phân tử Triglyceride sẽ được hấp thụ vào trong máu và vận chuyển đi khắp cơ thể.

Chất béo tốt cho cơ thể là chất béo không bão hòa. Đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn ăn dặm, việc bổ sung dầu vào chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để trẻ phát triển toàn diện, nhất là não bộ và hệ thần kinh cần chất béo không bão hòa và omega-3.

Chất béo không tốt cho sức khỏe là chất béo bão hòa thường có nguồn gốc từ mỡ động vật. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên áp dụng chế độ ăn uống có lượng calo từ chất béo bão hòa dưới 6% tổng lượng calo.

Ngoài ra, chất béo chuyển hóa có từ các thức ăn nhanh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây tác hại tới sức khỏe.

Tình trạng chỉ số mỡ máu thấp hoặc cao hơn mức bình thường là dấu hiệu cảnh báo của bệnh rối loạn mỡ máu trong cơ thể.

Chỉ số mỡ máu (Blood Lipid Indices) là các giá trị đo lường để đánh giá nồng độ lipid trong máu bao gồm định lượng Triglyceride, Cholesterol toàn phần, HDL- Cholesterol, LDL-  Cholesterol và tỷ lệ cholesterol toàn phần / HDL

Một người có chỉ số khối cơ thể BMI trên 25 thừa cân hoặc trên 30 béo phì kèm với các triệu chứng lâm sàng mệt mỏi, chậm chạp hoặc có tiền sử bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm cận lâm sàng để xác định các chỉ số mỡ máu.

Hệ thống vi tính của bệnh viện thường mặc định sau 6 tháng được xét nghiệm lại nhưng trên thực tế, tùy vào bệnh cảnh, độ tuổi, giới tính mà bác sĩ chỉ định.

- Trẻ em: Cần xét nghiệm Cholesterol và Triglycerid lúc 9 đến 11 tuổi và kiểm tra lại lần nữa lúc 17 đến 21 tuổi.

- Người trưởng thành: Xét nghiệm ít nhất mỗi năm 1 lần khi khám sức khỏe tổng quát.

- Người không có bệnh nền nam từ 40 đến 55 tuổi và nữ từ 50 đến 65 tuổi cần xét nghiệm 6 tháng 1 lần.

- Người có bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch hoặc tiền sử gia đình có mỡ máu cao cần xét nghiệm 4 đến 6 lần mỗi năm.

Để duy trì chỉ số mỡ máu trong giới hạn bình thường chúng ta cần xây dựng một lối sống lành mạnh như tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc vận động thể lực như đi nhanh, chạy bộ hay chơi bóng chuyền, bơi lội, cầu lông,…

Có chế độ dinh dưỡng tốt bổ sung rau, củ chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều trái cây bưởi, nho; nên dùng chất béo lành mạnh từ thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải, hạt macca, hạt hạnh nhân, hạt chia, đậu phộng; nên ăn cá thu, cá hồi, cá ngừ có nhiều omega-3; hạn chế thức uống có cồn, nước ngọt; không nên ăn da heo, da gà vịt, thịt mỡ, tóp mỡ.

Khi đã dinh dưỡng khoa học, có lối sống lành mạnh mà vẫn không kiểm soát được tình trạng tăng mỡ máu thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ mỡ máu với cơ chế hoạt động là thuốc can thiệp vào quá trình chuyển hóa, phân giải các chất béo hoặc dùng omega-3 với liều 3 gram 1 ngày với cơ chế làm tăng dị hóa Triglycerides ở gan sẽ giảm Triglycerides trong máu.

Một số thuốc hạ mỡ máu nhóm statin có thể gây tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, đau cơ, tăng men gan, tăng đường huyết nên phải sử dụng theo đơn bác sĩ, hết thuốc xin ý kiến bác sĩ xét nghiệm lại nếu các chỉ số trở về bình thường có thể ngưng thuốc./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Other news

CSGT Công an TP Cần Thơ hỗ trợ đưa cháu bé nguy cơ vỡ bàng quang đến bệnh viện cấp cứu 
(CTO) - Chiều 5-7, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Cần Thơ cho biết trong lúc tuần tra kiểm soát, Tổ công tác Trạm CSGT Hưng Phú phát hiện và kịp thời đưa một cháu bé đến bệnh viện cấp cứu.
Cẩn trọng với các triệu chứng nhầm lẫn giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng 
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện (BV) Ðại học Nam Cần Thơ cảnh báo một số triệu chứng có thể gây nhầm lẫn giữa bệnh trĩ và giai đoạn sớm của bệnh lý nghiêm trọng hơn - ung thư đại trực tràng.
Mối liên hệ bất ngờ giữa bữa ăn tối và nguy cơ gặp ác mộng 
Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Frontiers in Psychology, việc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định - gồm các chế phẩm từ sữa, món tráng miệng/đồ ngọt, thức ăn cay, thịt và ngũ cốc - vào buổi tối
Lưu ý chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường 
Theo các thống kê, khoảng 5-7% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng loét bàn chân. Cứ mỗi 30 giây, thế giới có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân.
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park 
Ngày 5/7/2025, Hệ thống Y tế Vinmec chính thức khai trương Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Grand Park tại Tầng L2, TTTM Vincom Mega Mall, khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.HCM).
Top