16/09/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Mùa cá linh về xuôi 

Những ngày này, nước sông Tiền, sông Hậu trở nên đục ngầu. Theo dòng nước cuồn cuộn từ thượng lưu, dòng cá linh bơi về hạ nguồn, cũng là lúc dân ÐBSCL vào mùa đánh bắt cá linh.

Những ngày này, nước sông Tiền, sông Hậu trở nên đục ngầu. Theo dòng nước cuồn cuộn từ thượng lưu, dòng cá linh bơi về hạ nguồn, cũng là lúc dân ÐBSCL vào mùa đánh bắt cá linh.

Cá linh đầu mùa thường xuôi theo dòng nước về hạ lưu, vào kênh, rạch để tìm mồi thì có thể dùng hứng, vó, dớn hoặc chảy đáy để bắt.

Cá linh là nhóm cá xương nước ngọt cỡ nhỏ, thuộc họ cá chép, có ý nghĩa kinh tế khá đặc biệt trong nghề cá ở vùng ÐBSCL. Sự xuất hiện nhiều hay ít của chúng trong năm báo hiệu sự được hay mất mùa cá, tôm trong vùng. Theo các tài liệu nghiên cứu về thủy sản gần đây, vào mùa khô, cá linh sống trong các sông lớn, ao hồ ở vùng thượng nguồn sông Mekong, tập trung phần lớn ở Biển Hồ. Mùa đẻ chính là đầu mùa mưa tháng 5, tháng 6, bãi đẻ thường ở ngã ba sông, ven các cồn, nơi nước chảy, trứng cá linh trôi nổi. Sau khi nở, cá linh bơi theo dòng lũ về hạ lưu vào sông ngòi, kênh, rạch, ruộng đồng và lớn lên. Càng xuống hạ nguồn, càng vào đồng xa, lượng cá linh ít dần cho đến khi gặp nước mặn.

Cá linh xuất hiện ở các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… vào rằm tháng 7 âm lịch. Lúc này, sông ngòi, kênh, rạch, đồng ruộng trong vùng đều đầy ắp nước. Môi trường sống được mở rộng, nguồn thức ăn phong phú là điều kiện lý tưởng cho đàn cá linh sinh sôi, nẩy nở. Nước lũ lên đến đâu, đàn cá theo đến đó. Sau khi lũ rút, cá ra sông lớn, rồi trở về thượng nguồn và năm nào cũng theo chu kỳ như vậy. Dân đồng bằng sử dụng nhiều ngư cụ để đánh bắt cá linh, như vó, đăng mé, chài quăng, dớn, ghe hứng, lưới giăng hoặc trải đáy trên các sông, rạch. Nhưng cũng tùy giai đoạn cá linh có kích cỡ khác nhau mà dùng ngư cụ đánh bắt phù hợp mới cho sản lượng nhiều.

Thời kỳ đầu mùa lũ, từ rằm tháng 7 đến cuối tháng 8 âm lịch, cá linh còn non cỡ bằng đầu đũa. Cá thường xuôi theo dòng nước vào kênh, rạch nội đồng để tìm mồi thì người ta dùng hứng, vó, dớn hoặc chảy đáy để bắt. Vào cuối mùa lũ, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, cá linh theo lũ rút ra sông lớn, lúc này cá đã lớn, to bằng ngón trỏ, người ta dùng đáy, đăng mé, chài quăng, lưới giăng để bắt cá linh. Mùa khai thác cá linh kéo dài khoảng 3 tháng.

Những năm gần đây, nhờ các phương tiện giao thông phát triển, nhất là phương tiện giao thông thủy, nên lượng cá linh khai thác ở các tỉnh đầu nguồn được phân phối nhanh chóng về các tỉnh miền hạ lưu. Nhiều ngư dân ở các tỉnh đầu nguồn còn biết cách rọng cá linh đầu mùa trong những ghe đục chở xuống các chợ ở các tỉnh hạ nguồn bán, nên có nhiều người mua được thứ đặc sản mùa nước nổi này đem về chế biến thức ăn. Cá linh được dân đồng bằng chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ở mỗi vùng có kiểu nấu ăn riêng, nhưng kho lạt và nấu canh chua là hai món phổ biến nhất. Cá linh cỡ nhỏ được ưa chuộng hơn, có giá bán mắc hơn cá cỡ lớn. Cá linh cỡ nhỏ dùng kho tương, kho khóm (kho lạt) ăn luôn xương hoặc được bằm nhuyễn, dồn khổ hoa hay vò viên nấu canh chua. Loại cỡ lớn thì nấu canh chua hoặc kho nước dừa, kho lá dứa để nguyên con. Ðặc biệt, cá linh nấu canh chua với bông điên điển hoặc với bông so đũa ăn rất ngon. Cá linh còn được làm mắm để nguyên con, cá linh được ủ làm nước mắm hoặc được đóng hộp như cá mòi đóng hộp. Nhiều năm nay, lượng cá linh tự nhiên giảm mạnh do môi trường sống của cá thay đổi và sự khai thác quá mức của con người với nhiều mục đích khác nhau.

Cá linh non được tiểu thương mua thu gom về bán lẻ tại các chợ, nhưng không phải ngày nào cũng có, chỉ có cá bán tập trung vào những con nước rằm hoặc ba mươi âm lịch. Mỗi buổi chợ chỉ bán vài ba ký cá linh lẫn lộn với cá đồng. Giá bán rất cao, từ 20.000-30.000 đồng/100gr, nhưng các bà nội chợ phải đi chợ sớm mới mua được vì có rất nhiều người mua. Cá linh vào cuối mùa lũ chủ yếu do các ghe đục từ miệt trên (An Giang, Ðồng Tháp) chở về, lượng cá bắt tại chỗ rất ít...

 Nhằm bảo tồn và duy trì nguồn cá linh tự nhiên trước nguy cơ cạn kiệt, vào năm 2009, nhóm nghiên cứu Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, Trung tâm giống Thủy sản An Giang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành công giống cá linh ống. Từ đó đến nay, có nhiều công trình, dự án nghiên cứu, thử nghiệm về sản xuất nhân tạo và nuôi cá linh được triển khai và áp dụng thành công, mở ra triển vọng mở rộng nghề nuôi cá linh đại trà trong ao, vuông, giúp bảo tồn và phát triển nguồn thủy sản đặc trưng lâu đời của miền sông nước.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

 

Liên quan

Xác định vùng bảo hộ vệ sinh 10 công trình khai thác nước sinh hoạt
Tỉnh Long An vừa ban hành quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt gồm 10 công trình đã được cấp phép khai thác tài nguyên nước, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt.
Hải Phòng sớm trở lại trạng thái bình thường, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội
(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý Trung ương hỗ trợ thành phố Hải Phòng 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3, giúp thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm kỳ 2021 – 2025.
Mãi khắc ghi công ơn của cha ông
Tháng 7, tháng tri ân, tháng Đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng.
Thời tiết hôm nay 27/7: Miền Bắc nắng nóng, có mưa rào và dông vào chiều tối
Trong ngày 27/7, Bắc Bộ ban ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Những ngày tháng 7 ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh   
Theo thông lệ vào tháng 7, những người đồng đội, thân nhân, gia đình liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc lại trở về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thắp nén tâm nhang tưởng niệm người thân, các anh hùng liệt sĩ...
Top