02/07/2025
x
+
aa
-

Mỹ Latinh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn 

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen mới đây, Tướng Mỹ Laura Richardson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) cho biết, Nga và Trung Quốc đang cố gắng tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.

Tướng Richardson phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 18-7. Ảnh: Defensegov

Theo bà Richardson, trong khi Nga đang đẩy mạnh thiết lập mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với các nước trong khu vực, Trung Quốc mở rộng sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI) trên khắp Mỹ Latinh. “Tôi có thể nói rằng Trung Quốc đang chơi cờ. Họ có tầm nhìn dài hạn và họ đang dàn dựng sân khấu. Đến nay, 25 quốc gia Mỹ Latinh đã đăng ký tham gia kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc” - bà Richardson cảnh báo.

Tướng Richardson cho hay, các khoản đầu tư của Trung Quốc “bao phủ gần như toàn bộ khu vực”, chủ yếu là vào các dự án xây dựng ga tàu điện ngầm, đường sắt, viễn thông, đập thủy điện “dưới chiêu bài kinh tế”. Bà bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng quan trọng, như cảng nước sâu, an ninh mạng, năng lượng và không gian, vốn đang được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trong khi đó, theo bà Richardson, các mục tiêu ngắn hạn của Mát-xcơ-va có thể gây bất ổn đối với hệ thống dân chủ của Washington thông qua các phương tiện truyền thông cũng như các mối quan hệ ngoại giao khác.

Mới đây, giới chức Nga đã đến thăm Nicaragua và Cuba. Các quan sát viên xứ bạch dương dự kiến cũng sẽ có mặt tại Venezuela để tham dự cuộc bầu cử tổng thống nước này vào ngày 28-7 tới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ), đây có thể là một phần trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Tây Bán cầu và tập hợp các quốc gia đối đầu Mỹ và phương Tây. ISW cho biết, giới chức Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, cũng đã đến thăm Venezuela, Cuba và Nicaragua để ký kết các thỏa thuận kinh tế và thương mại song phương. Giới phân tích cho rằng đây cũng có thể là một phần trong kế hoạch của Mát-xcơ-va nhằm sử dụng Minsk để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại ISW, cho rằng SOUTHCOM đã dành “quá ít” nguồn lực cho khu vực này, qua đó phản ánh sự tập trung cao độ của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa lúc sức mạnh và sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng, cũng như cho thấy sự chú ý của Washington vào các khu vực khác, gồm Trung Đông và Ukraine. Theo ông Ellis, nhu cầu kinh tế của Mỹ Latinh kết hợp với khả năng quản lý yếu kém trong một số trường hợp đã mở ra cơ hội hợp tác với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Venezuela, Cuba và Nicaragua sẵn sàng mở cửa tiếp đón Nga và Iran, từ đó gây ra mối đe dọa chiến lược cho Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, tướng Richardson cho rằng Mỹ cần xây dựng “Kế hoạch Marshall” dành cho các nước khu vực Mỹ Latinh. Theo bà, đã đến lúc Washington ngừng than vãn về ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, thay vào đó hãy áp dụng một số biện pháp “bôi trơn” để nuôi dưỡng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng chứ không chỉ quan tâm đến việc tạo ảnh hưởng về mặt quân sự.

“Kế hoạch Marshall” hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật trị giá 13,3 tỉ USD kéo dài 4 năm (1948-1952) được Mỹ dành cho châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kế hoạch được Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là George Marshall đề xuất và được Tổng thống Mỹ khi đó là Harry S. Truman thông qua được nhiều nhà kinh tế và lịch sử đánh giá đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình tái thiết ở lục địa già.

Trước đó, tướng Richardson hồi tháng 3 cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng ở Nam Mỹ và vùng Caribe, xâm phạm lợi ích của Mỹ trong khu vực. “Trung Quốc đã mở rộng khả năng khai thác tài nguyên, xây dựng cảng, thao túng các chính phủ thông qua các hoạt động đầu tư và phát triển các cơ sở không gian lưỡng dụng” - bà này lo ngại.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Other news

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị triệu tập thẩm vấn lần cuối
Ông Yoon Suk Yeol đã được yêu cầu có mặt tại văn phòng của Công tố viên đặc biệt lúc 9 giờ sáng 01/7 để tiếp tục trả lời thẩm vấn, tuy nhiên, ông đã không xuất hiện.
Năng lực làm giàu uranium của Iran hậu xung đột 
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran có thể tái khởi động hoạt động làm giàu uranium “chỉ trong vài tháng”, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ đã khiến chương trình hạt nhân nước này bị chậm lại nhiều thập niên.
Israel kỳ vọng giải cứu con tin tại Gaza sau “chiến thắng” với Iran
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ lạc quan về cơ hội giải cứu các con tin đang bị Hamas giam giữ tại Gaza sau 'chiến thắng' trong cuộc giao tranh với Iran kéo dài 12 ngày qua.
Iran đề nghị Israel và Mỹ phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột 12 ngày
Iran yêu cầu Liên hợp quốc công nhận Israel và Mỹ 'là những bên khởi xướng hành động xâm lược và thừa nhận trách nhiệm tiếp theo của họ, bao gồm cả việc bồi thường và bồi thường thiệt hại.'
Mỹ nỗ lực ngăn Trung Quốc phát triển hải cảng 
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho thấy, các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng hoặc vận hành 31 cảng đang hoạt động ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe
Top