Mỹ ra điều kiện hỗ trợ Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Nhà Trắng muốn tiếp cận nguồn nguyên liệu đất hiếm của Ukraine như điều kiện đổi lấy việc Washington duy trì hỗ trợ tài chính cho nỗ lực của Kiev trong cuộc chiến với Nga.
Tổng thống Trump làm việc tại Phòng Bầu dục. Ảnh: AP
Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 3-2, Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra với nhiều tiến triển. “Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ chấm dứt cuộc chiến vô lý đó” - ông Trump tuyên bố.
Nhưng trước đó, Tổng thống Trump lên tiếng phàn nàn việc Mỹ đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine nhiều hơn so với các đối tác châu Âu. Để cân bằng lợi ích, ông Trump cho biết Nhà Trắng muốn đàm phán một thỏa thuận với Ukraine, trong đó Kiev sẽ đảm bảo nguồn cung đất hiếm như hình thức thanh toán cho gói hỗ trợ gần 300 tỉ USD từ Washington. Hồi tháng 10-2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đưa ra ý tưởng như vậy như một phần trong “Kế hoạch chiến thắng” do chính ông đề xuất nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga. “Mỹ đang đổ vào hàng trăm tỉ USD và chúng tôi muốn có sự đảm bảo về đất hiếm. Ukraine có nguồn khoáng sản đó và họ sẵn sàng cung cấp” - ông Trump khẳng định.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích yêu cầu của Tổng thống Trump đặt ra cho cuộc chiến ở Đông Âu dựa trên tư duy “có qua có lại” là “rất ích kỷ”. Đang có mặt tại thủ đô Brussels (Bỉ) dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Scholz cho biết những nguồn lực quan trọng như đất hiếm sẽ được sử dụng tốt hơn cho công cuộc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Theo các cơ quan địa chất, mặc dù không mỏ nào của Ukraine nằm trong 5 mỏ lớn nhất thế giới nhưng nước này lại có trữ lượng lớn các loại khoáng sản uranium, lithium và titan vốn quan trọng với ngành công nghiệp quân sự, hàng không vũ trụ, y tế, ô tô và hàng hải.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có sử dụng thuật ngữ “đất hiếm” để chỉ tất cả các loại khoáng chất quan trọng hay chỉ riêng nhóm đất hiếm gồm 17 nguyên tố kim loại nặng mềm không thể thay thế. Chúng được sử dụng như nguyên liệu đầu vào thiết yếu để sản xuất từ thiết bị quốc phòng, cơ sở hạ tầng năng lượng xanh (như tua bin gió), cũng như hàng tiêu dùng hàng ngày (điện thoại di động, máy ảnh, ổ đĩa máy tính, đèn pha và các thiết bị điện tử tiên tiến). Trong khi Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm và nhiều khoáng sản quan trọng khác lớn nhất thế giới, Mỹ hiện chỉ khai thác một mỏ đất hiếm với công suất rất thấp.
Ukraine đang mất lợi thế trên chiến trường
Tuy các chuyến hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đã được nối lại, nhưng “bóng ma” về dòng vũ khí nước ngoài bị đóng băng sẽ cản trở khả năng chiến đấu của Ukraine và đẩy nước này vào thế yếu trong các cuộc đàm phán hòa bình. Kiev hiện cũng bất an trước lời kêu gọi Ukraine tổ chức bầu cử từ Mỹ và Nga, trong đó nhiều quan chức lo ngại sự đồng thuận giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin có thể khiến họ bị loại khỏi cuộc thảo luận về tương lai của đất nước.
Trong khi đó trên chiến trường, quân đội Ukraine phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng dự bị và các đơn vị bộ binh mới trước các cuộc tấn công của Nga. Điều kiện thời tiết bất lợi cũng đang ngăn Kiev sử dụng máy bay không người lái để giám sát, tạo điều kiện cho quân đội Nga củng cố và chiếm thêm lãnh thổ.
MAI QUYÊN (Theo Guardian, ABC NEWS)