Năng động, sáng tạo trên chất liệu văn hóa truyền thống
10 dự án tốt nghiệp của sinh viên ngành Truyền thông & Tổ chức sự kiện, Trường FPT Polytechnic Cần Thơ vừa công bố hầu hết đều khai thác chất liệu văn hóa truyền thống. Với sự năng động, trẻ trung, các sinh viên đã thể hiện chất liệu ấy bằng ngôn ngữ riêng.
Tiết mục ấn tượng trong phần giới thiệu dự án tốt nghiệp “Chầu văn Tứ phủ”.
Một trong 10 dự án đó có tên gọi “Quốc vọng tri âm”. Nhóm sinh viên chọn các ca khúc truyền thống cách mạng để thực hiện một đêm nhạc mới mẻ, đầy màu sắc. Đó cũng là cách để thế hệ trẻ tri ân thế hệ cha ông đã hy sinh để Tổ quốc được hòa bình. Sinh viên Phạm Thị Yến Thư cho biết: “Đề tài của dự án được nhóm chọn và các thành viên rất hứng thú. Chúng tôi mong muốn truyền tải những giai điệu ấy sao cho thật gần gũi, hào hùng với tuổi trẻ”. Cùng ý tưởng đó, thành viên khác của nhóm là sinh viên Đoàn Du Ái Nhân nói rằng, dự án không đơn giản là trình diễn nghệ thuật mà nhóm kỳ vọng sẽ đưa khán giả đến với những lát cắt cảm xúc, sống lại những năm tháng hào hùng của cha ông.
Một dự án khác cũng khá thú vị là “Gấm sắc phương hoa”, với sản phẩm là đêm trình diễn thời trang áo dài, trong đó giới thiệu những đặc sắc văn hóa phương Nam như bánh dân gian, di sản văn hóa, sinh hoạt truyền thống… Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Nữ, thành viên nhóm thực hiện, cho biết: “Văn hóa Nam Bộ phong phú và đầy hấp dẫn. Nhóm muốn tạo một sự kết hợp giữa thời trang và văn hóa bản địa với một chương trình hấp dẫn”.
8 dự án còn lại cũng rất đặc biệt, thu hút ngay từ tên gọi, như “Chầu văn Tứ phủ”, “Hòa điệu thanh âm”, “Trấn Giang”, “Gánh à ơi”, “Linh ẩn”, “Chạm thanh”, “Hào quang”, “ALOHA”. Di sản văn hóa, văn hóa bản địa cũng được gửi gắm trọn vẹn trong từng dự án như Chầu văn, âm nhạc dân gian, kịch truyền thanh, nghệ thuật dân gian lô tô… Trong buổi công bố dự án, các thành viên nhóm đã trình bày về ý tưởng, mục tiêu, phương pháp thực hiện, ý nghĩa mang lại và đặc biệt là mang đến những tiết mục biểu diễn thú vị liên quan đến dự án. Ngoài ra, mỗi dự án thể hiện rõ ý tưởng sáng tạo, được các sinh viên vận dụng, phát triển từ những kiến thức và kỹ năng đã học, từ lên kế hoạch truyền thông, tổ chức sự kiện, đến làm việc nhóm, thiết kế, quay dựng nội dung.
Thầy Lai Phước Minh, Giám đốc Xưởng thực hành - Bộ môn Kinh tế, giảng viên hướng dẫn 4/10 dự án tốt nghiệp lần này, cho biết: Đề tài do các sinh viên tự chọn, giảng viên sẽ góp ý, định hướng để các bạn thể hiện tốt nhất, trên tinh thần khuyến khích sự sáng tạo. Nhiều nhóm có các thể hiện rất hay, ngôn ngữ trẻ trung. “Đề tài bảo tồn văn hóa, giới thiệu văn hóa đến thế hệ trẻ được nhà trường rất khuyến khích và ngay cả các sinh viên cũng hào hứng với đề tài này”, thầy Lai Phước Minh nói thêm.
Hiện tại, các nhóm đang tập trung để hoàn thiện dự án tốt nghiệp với những chương trình biểu diễn, sự kiện phục vụ công chúng. Đây không chỉ là dịp để các sinh viên trình bày kết quả học tập mà thực sự là cơ hội để họ thể hiện tài năng, đam mê với nghề và với văn hóa truyền thống.
Bài, ảnh: DUY KHÔI