25/03/2025
x
+
aa
-

Ngộ độc thực phẩm: Những biểu hiện đầu tiên và dấu hiệu cần đến ngay bệnh viện

Những dấu hiệu để nhận biết sớm cơ thể bị ngộ độc thực phẩm như nôn nhiều lần, đau bụng, tiêu chảy; khi tiêu phân lỏng trên 6 lần/ngày, đi tiêu ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm... cần đến ngay cơ sở y tế.

Việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất, từ đó khiến cơ thể bị ngộ độc. Vì vậy, người dân cần phải trang bị kiến thức cần thiết để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là vi khuẩn Salmonella, E.Coli

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ngộ độc.

Nôn ói là một trong những biểu hiện đầu tiên khi bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Freepik)

Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể do các độc tố của vi khuẩn (thường gặp vi khuẩn Salmonella, E.Coli); do nhiễm virus hay ký sinh trùng; hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hóa học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất sinh ra).

Khi bị ngộ độc thực phẩm, ở trường hợp nhẹ, cơ thể sẽ bị mất nước, mệt mỏi. Đối với trường hợp bệnh nặng, có thể gây sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Những biểu hiện để nhận biết sớm cơ thể bị ngộ độc thực phẩm gồm: Buồn nôn, nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt. Thêm vào đó, dấu hiệu để nhận biết cơ thể bị mất nước bao gồm mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.

Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn: Tiêu phân lỏng trên 6 lần/ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà cho biết, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên bù đủ chất sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng cách uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động vừa nêu trên, bệnh nhân phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở TP.Vũng Tàu (ẢNH: NGUYỄN LONG)

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân nên lựa chọn thực phẩm tươi sống và đã được kiểm định an toàn vệ sinh. Đối với các loại thức ăn đã được chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

Cần nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp, các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ nhiều lần trước khi ăn. Nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn. Nên loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, nên rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn.../.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/ngo-doc-thuc-pham-nhung-bieu-hien-dau-tien-va-dau-hieu-can-den-ngay-benh-vien-185241128114642629.htm

Other news

Các thực phẩm có nguy cơ gây nhiễm giun rồng
Hiện chưa có thuốc chữa bệnh giun rồng, người dân cần lưu ý các thực phẩm nguy cơ cao và cần chế biến an toàn, đặc biệt chú trọng nấu chín thực phẩm để diệt ấu trùng giun.
Thức ăn đường phố: Tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thức ăn đường phố được nhiều người lựa chọn vì tiện lợi, nhanh, giá rẻ. Tuy nhiên, đằng sau những món ăn, thức uống thơm ngon, bắt mắt đó là những nỗi lo về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế vào cuộc vụ quảng cáo thực phẩm bổ sung kẹo rau củ
Vừa qua, trên các nền tảng xã hội đưa thông tin chỉ cần cung cấp chất xơ qua sản phẩm thực phẩm bổ sung mà không cần hoặc hạn chế sử dụng chất xơ từ rau xanh... làm dậy sóng dư luận. Bộ Y tế cho biết đã vào cuộc.
Không cắt ngắn móng tay khi tiếp xúc thực phẩm chín bị phạt đến 3 triệu đồng
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, sau tết, dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội mang tính chất thời vụ xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo ATTP.
Triển khai văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2025
Hội nghị tập huấn nhằm giúp cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông sản ở địa phương, đơn vị và các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
Top