Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh “Sống để muôn đời, sử tạc ghi”
Bài, ảnh: DUY KHÔI
“Sống sao nên phải, cho nên sống/ Sống để muôn đời, sử tạc ghi”. Năm 1943, sau khi nhà yêu nước Nguyễn An Ninh hy sinh ở địa ngục trần gian Côn Ðảo, người bạn tù đã tìm thấy trong túi áo của ông một mảnh giấy viết bài thơ “Sống và chết” với những câu thơ đầy khí khái. Ðó cũng là phương châm sống của chí sĩ Nguyễn An Ninh, nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tài ba của nước ta đầu thế kỷ XX.
Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
“Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khinh
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai”
Chúng tôi đã được đọc bài thơ ấy từ lâu và khi đặt chân đến Côn Ðảo, viếng Nghĩa trang Hàng Dương, lòng thôi thúc lòng đưa chân tìm đến nơi an nghỉ của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Ngôi mộ được xây dựng gần khu A của Nghĩa trang Hàng Dương, thoai thoải trên triền dốc, nổi bật bức chân dung nổi tiếng của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Ngày 14-8 hằng năm, dòng người nối nhau lại tìm về ngôi mộ dưới hàng thông reo này để kính giỗ nhà yêu nước, người con tài hoa của đất mẹ Việt Nam, của Nam Bộ thành đồng.
“Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi”
Chí sĩ Nguyễn An Ninh sinh năm 1900 trong một gia đình Nho học ở Cần Giuộc, Long An, cha là cụ Nguyễn An Khương và chú là cụ Nguyễn An Cư, đều là những văn sĩ, nho gia danh tiếng, bạn của nhiều chí sĩ yêu nước cùng thời. Mẹ ông là cụ Trương Thị Ngự, con một gia đình danh giá ở Chợ Lớn, sau này được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Chí sĩ Nguyễn An Ninh sinh ra trong gia đình có điều kiện nên được học hành đàng hoàng. Năm 1918, ông sang Pháp, thi đỗ vào khoa Luật của Ðại học Sorbonne, Paris, ngôi trường rất danh tiếng. Khi mới 20 tuổi, tức sau 2 năm qua Pháp, ông đã hoàn thành chương trình học 4 năm và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc, gây chấn động đương thời.
Thời gian học trên đất Pháp, chí sĩ Nguyễn An Ninh đã dày công nghiên cứu Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, có khuynh hướng Mácxít. Cha ông là bạn thân của cụ Phan Châu Trinh nên những năm sống trên đất Pháp, Nguyễn An Ninh sống, hoạt động cùng cụ và thân thiết với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, Kỹ sư Hóa học, Cử nhân Triết học Nguyễn Thế Truyền hợp thành “Ngũ Long An Nam” trên đất Pháp.
Sau khi về Việt Nam rồi quay lại Pháp tiếp tục làm nghiên cứu sinh, đến tháng 10-1922, ông về nước để hoạt động cách mạng và từ chối mọi lời chiêu dụ của chính quyền thực dân. Ðầu năm 1923, ông thành lập Hội Khuyến học Nam Kỳ và có bài diễn thuyết trước hơn 3.000 người với chủ đề “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”. Tháng 10-1923, ông diễn thuyết lần thứ hai. Về sự kiện này, Giáo sư Trần Văn Giàu thuật lại trong hồi ký rằng: “Thanh niên Sài Gòn đã vỗ tay hoan nghênh Nguyễn An Ninh khi anh Ninh (tại một cuộc mít tinh ở Nam Kỳ Khuyến hội học năm 1923) kêu gọi thanh niên hãy đi xa, đi thật xa nhà tổ phụ để tìm lý tưởng mới, đừng lẩn quẩn lại xó bếp gia đình chật hẹp và lạc hậu”.
Cuối năm 1923, chí sĩ Nguyễn An Ninh lập báo Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée), kiêm chủ nhiệm, chủ bút, tự viết bài, tự biên tập, in ấn và tự đi bán báo. Sau 19 số xuất bản, dưới sự o ép của chính quyền thuộc địa, tờ báo bị đình bản. Sau đó, ông nhiều lần có diễn thuyết ngay trên đất Pháp và tại Việt Nam về lý tưởng của thanh niên mới, về sự tàn bạo, hà khắc của thực dân Pháp ở thuộc địa. Ông xuất bản lại báo Tiếng chuông rè, sau là báo Nước Nam, viết sách, báo.
Năm 1927, Nguyễn An Ninh đi Pháp lần thứ 5 với mục đích tìm gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhờ Ðảng Cộng sản Pháp và bạn bè Pháp giúp đỡ phong trào yêu nước ở Ðông Dương, dự trại hè sinh viên Việt Nam tại Pháp và đón người bạn thân thiết Nguyễn Thế Truyền về nước để cùng mưu việc lớn. Năm 1928, Thanh niên cao vọng Ðảng do ông thành lập đã có tới 7.000 hội viên.
Chí sĩ Nguyễn An Ninh từng 5 lần bị thực dân Pháp bắt, kết án và lần cuối là vào tháng 10-1939, ông bị kết án 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ vì tội gây rối trị an, và 2 tháng sau chúng đã đày ông ra Côn Ðảo. Dù bị bệnh, lại liên tục được thực dân chiêu dụ, cám dỗ, mời mọc, nhưng ông kiên quyết giữ gìn khí tiết. Như lời thuật của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Anh Ninh có lần bảo tôi: “en prison le coeur se brise ou se bronze” (nghĩa là: Trong tù, trái tim hoặc bị tan vỡ hoặc được tôi luyện thành đồng thau) là chí lý. Vấn đề là trong tù mình học cái gì; học tư tưởng Mác-Lênin, thì mười người mãn tù, chín người tiếp tục hoạt động cách mạng”.
Mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh ở Côn Đảo.
Chí sĩ Nguyễn An Ninh hy sinh ngày 14-8-1943. Trong hồi ký, trong dòng hồi tưởng về diễn biến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hừng hực khí thế, Giáo sư Trần Văn Giàu nghẹn lòng thốt lên đầy bùi ngùi: “Anh Ninh! Anh không ráng sống thêm được hai năm nữa sao anh!”. Có thể thấy: “Từ một trí thức được đào tạo công phu, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ cách mạng có tầm ảnh hưởng sâu rộng suốt hai thập kỷ (1923-1943) của phong trào yêu nước - nhất là ở Nam Bộ. Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà tư tưởng lớn của nước ta hồi đầu thế kỷ XX. Ông là một trí thức tiêu biểu, dấn thân, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thời cận đại” (trích “Ðồng chí Nguyễn An Ninh - Nhà văn hóa và tư tưởng lớn của nước ta đầu thế kỷ XX, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh).
Chí sĩ Nguyễn An Ninh để lại di sản to lớn, với những tác phẩm tiêu biểu như “Cao vọng của thanh niên An Nam” (1923), “Dân ước” (dịch những đoạn chính trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau) (1923), “Nước Pháp ở Ðông Dương” (1925), “Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản của Mác - Ăngghen” (tổ chức dịch và cho đăng báo Tiếng chuông rè năm 1926), “Hai Bà Trưng, tuồng hát” (1928), “Tôn giáo” (1932)… Nhiều con đường, công trình công cộng trên cả nước vinh dự mang tên ông, trong đó có tuyến đường Nguyễn An Ninh ở trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
“Liệt sĩ chi mộ”
Ngôi mộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh ở Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Ðảo) cùng các đồng chí, đồng đội đang an giấc ngàn thu. Ngôi mộ được trùng tu vào ngày 10-10-1961, nổi bật với hàng chữ “Liệt sĩ chi mộ”. Ngôi mộ còn có bia tưởng niệm và bia kể lại quá trình xây mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh được thân nhân thực hiện, và trùng tu vào năm 2005.
Bia tưởng niệm này có nội dung giống với bia đặt tại Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh ở phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Bia thuật lại quá trình học tập, hoạt động cách mạng của chí sĩ Nguyễn An Ninh và đúc kết rằng: “Nguyễn An Ninh mất đi nhưng tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử, ông để lại cho đời những áng văn yêu nước hào hùng và một tấm gương sáng ngời của người trí thức cách mạng, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Về quá trình xây mộ cho chí sĩ Nguyễn An Ninh, theo lời kể của những người bạn tù, sang năm 1944, vì lòng ngưỡng mộ và yêu mến, nhiều người bàn nhau xây mộ cho ông. Lời kể của ông Phan Văn Voi, người bạn tù của chí sĩ Nguyễn An Ninh, sau này công tác ở Văn phòng Trung ương Ðảng, ghi trong bia đá: “Năm 1944, anh em tù chánh trị được ra làm đường bên núi Chúa, đã bàn nhau nhanh chóng xây mộ ông Ninh. Từng viên đá được anh em đẽo vuông cạnh và giấu kỹ cho tới khi đủ số. Bèn hẹn nhau để lấy một nắm hồ, đưa đá về là xây ngay thành nấm mộ. Vài hôm sau bọn chúng đã huy động lính ra đập phá. Chúng tôi xây dựng lần thứ hai. Chúng lại đập phá. Lần thứ ba, chúng tôi dặn thợ hồ pha hồ thật già. Chúng đập nhưng không phá được. Chúng tôi lại sửa. Và ngôi mộ đá xanh của ông đã được giữ gìn cho đến ngày độc lập 1945...”. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã bình luận về nghĩa cử ấy, đoạn được khắc trên bia đá: “Những người tù thường phạm và lính gác ngục người quá cố, cảm phục người cách mạng, mỗi người một viên đá lén đánh dấu nơi chôn cất ông. Dần dần nổi lên một ngôi mộ đá Nguyễn An Ninh giữa hàng nghìn hàng vạn ngôi mộ cát mà gió biển Ðông không phân biệt đã bào mòn thành bình địa…”.
Câu chuyện này càng cho thấy sức ảnh hưởng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trong lòng đồng chí, đồng bào.
Ở khu mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, trên tấm bia phía sau mộ, ngoài bia tưởng niệm, bia kể về quá trình xây mộ còn có bức chân dung nổi tiếng chụp lúc chí sĩ Nguyễn An Ninh 23 tuổi, sau buổi diễn thuyết về cao vọng của thanh niên Việt Nam. Ðặc biệt hơn, dưới chân dung là ảnh khắc lại hình ảnh ngôi mộ cũ bằng đá xanh, do những người bạn tù bất chấp nguy hiểm, đòn roi để xây nên vào năm 1944. Ðó là tấm lòng của hậu thế tưởng hướng và tri ân bậc tiền nhân.
----------------------
Tài liệu tham khảo:
Trần Văn Giàu, “Hồi ký 1940-1945”;
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, “Đồng chí Nguyễn An Ninh - Nhà văn hóa và tư tưởng lớn của nước ta đầu thế kỷ XX”.