Số hóa dữ liệu, nâng cao hiệu quả đăng ký và quản lý hộ tịch
Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp được triển khai, áp dụng trên cả nước từ ngày 1-10-2018. Đặc biệt, phần mềm này có thể liên thông ở cả 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, trung ương), đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014. Tại TP Cần Thơ, phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung đã hỗ trợ đắc lực để công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch, UBND xã Nhơn Nghĩa nhập dữ liệu thông tin trên phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch.
Hộ tịch là những sự kiện liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của người dân: khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết. Mọi sự kiện hộ tịch chỉ được phép đăng ký ở 1 địa phương theo đúng quy định, kịp thời, chính xác. Vì vậy, việc quản lý hộ tịch có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, gia đình; đảm bảo mỗi cá nhân đều được hưởng quyền công dân, quyền con người bình đẳng. Đồng thời, giúp các cơ quan cấp trên có đánh giá khách quan về sự biến động hộ tịch; từ đó, đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế của từng địa phương trên cả nước…
Trước đây, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thực hiện chủ yếu bằng thủ công. Công chức Tư pháp - Hộ tịch phải ghi chép vào sổ đăng ký để cấp cho công dân. Nhiều trường hợp không chính xác, thiếu nội dung theo biểu mẫu quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch của UBND các cấp, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân…
Được sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, áp dụng trên cả nước, từ ngày 1-10-2018. Tại TP Cần Thơ, các địa phương đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, kết nối internet; đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, giúp đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Ông Nguyễn Văn Nết, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Lúc mới triển khai thực hiện phần mềm, tôi vừa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch cho người dân, rồi tranh thủ nhập dữ liệu, thông tin của người dân vào phần mềm. Qua thời gian đầu lúng túng, tôi dần sử dụng thành thạo phần mềm. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của công dân”.
Theo Phòng Tư pháp huyện Phong Điền, với sự phát triển của công nghệ số, việc đăng ký và quản lý hộ tịch trên phần mềm trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn. Người dân có thể đăng ký hộ tịch bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần có kết nối internet, không còn bị giới hạn bởi giờ làm việc của cơ quan nhà nước. Đồng thời, quy trình thực hiện đơn giản, được hướng dẫn rõ ràng, từng bước trên giao diện điện tử. Người dân chỉ cần điền thông tin cần thiết, đính kèm giấy tờ và gửi yêu cầu. Ngoài ra, người dân cũng có thể theo dõi trạng thái xử lý và nhận thông báo qua email hoặc tin nhắn.
Qua phần mềm, tất cả dữ liệu về hộ tịch đều được cập nhật vào hệ thống lưu trữ nên cán bộ chuyên môn dễ dàng truy cập, trích xuất dữ liệu, tra cứu thông tin; xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức khi cần kiểm tra, cấp giấy, sao lục hồ sơ. Phần mềm được dùng chung trên cả nước vừa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí và có thể dẫn đến những rủi ro không lường trước trong quá trình khai thác, sử dụng.
Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG