Sôi động cuộc đua thu hút nhân tài Mỹ
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm tài trợ liên bang cho các viện nghiên cứu trong nước, nhiều nước trên thế giới nhận thấy đây là “cơ hội thu hút chất xám chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ”.
Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa) trao đổi với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Hạt nhân quốc gia. Ảnh: PA
Trong nhiều thập niên, các quốc gia rất khó cạnh tranh với các tổ chức và công ty của Mỹ do nước này là “thỏi nam châm” hút các nhà nghiên cứu hàng đầu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới mạnh hơn về ngân sách, khả năng trả lương và phòng thí nghiệm. Vào năm 2024, nước này đã chi gần 1.000 tỉ USD, tương đương khoảng 3,5% tổng sản lượng kinh tế, cho nghiên cứu và phát triển. Đó là lý do vì sao giới lãnh đạo chính trị, giáo dục và doanh nghiệp ở các nước tiên tiến cũng như những nền kinh tế mới nổi lâu nay lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” khỏi đất nước của họ.
Tuy nhiên, kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, Tổng thống Donald Trump đã tìm cách giảm mạnh tài trợ cho các dự án, công trình nghiên cứu. Điều này mở ra cơ hội đảo ngược dòng chảy cho các nước khác, mà theo mô tả của Viện Chính sách Chiến lược Úc là “chỉ có một lần trong một thế kỷ”.
Hồi đầu tháng 5, dưới sự hối thúc của hơn 10 quốc gia thành viên, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ chi bổ sung 556 triệu USD trong 2 năm tới để “biến cựu lục địa thành thỏi nam châm thu hút các nhà nghiên cứu”.
Theo kế hoạch, khoản đầu tư trên sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2027 nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học tại châu Âu, đồng thời thu hút các nhà khoa học xuất sắc trên toàn cầu, đặc biệt là những chuyên gia đang lo ngại về các chính sách mới của chính quyền ông Trump.
Riêng Chính phủ Pháp đã công bố chương trình trị giá 113 triệu USD nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu trong nước tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực chịu áp lực tại Mỹ như nghiên cứu khí hậu và năng lượng
bền vững.
❝ Thật ra, mức lương mà EU trả cho các nhà nghiên cứu thấp hơn đáng kể so với Mỹ. Ví dụ như ở Pháp, một nhà nghiên cứu 35 tuổi có thể hy vọng kiếm được khoảng 4.000USD/tháng trước thuế. Trong khi đó, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ðại học Stanford của Mỹ nhận tới gần 6.700USD/tháng. Tuy nhiên, trong số 1.600 người tham gia cuộc khảo sát của tạp chí Nature hồi tháng 3 (bao gồm nhiều tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Mỹ), có tới 75% ý kiến cho biết đang cân nhắc rời khỏi xứ cờ hoa vì các chính sách dưới thời ông Trump. Châu Âu có sức hút như thế bởi vì mạng lưới an sinh xã hội hào phóng hơn của lục địa này có thể bù đắp phần lớn chênh lệch lương. “Ở châu Âu, bạn có an sinh xã hội rất tốt và được chăm sóc sức khỏe miễn phí, các trường đại học cũng miễn học phí”, Patrick Lemaire, chủ tịch của một nhánh thuộc hội đồng quốc tế tại Pháp, chia sẻ. |
Các tổ chức học thuật khác cũng nhảy vào cuộc, bao gồm Đại học Aix-Marseille chấp nhận trả 16,8 triệu USD để tài trợ cho 15 nhà nghiên cứu nước ngoài. Lời mời này đến nay đã thu hút hơn 50 ứng viên. Trong khi đó, Đại học Paris-Saclay thiết lập 5 vị trí mới cho các nhà nghiên cứu người Mỹ.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này đang lập ngân sách bổ sung 50 triệu USD để thu hút các nhà khoa học Mỹ. Chương trình này sẽ tài trợ thêm 200.000USD cho các nhà nghiên cứu, ngoài gói 1 triệu USD thông thường.
Ireland, Bỉ, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã thảo luận về việc khởi động các chương trình nhắm tới những nhà nghiên cứu người Mỹ.
Khẩn trương hơn, các tổ chức khoa học ở Vương quốc Anh đang đẩy mạnh những kế hoạch đầu tư, khi sắp công bố các khoản bảo lãnh tài trợ chính thức trong 10 năm và trao học bổng cho các chuyên gia rời khỏi Mỹ.
Cụ thể, Hội Hoàng gia Anh sẽ công bố Học bổng Faraday mới dành cho các nhà nghiên cứu quốc tế, được hỗ trợ lên đến 40 triệu USD. Ít nhất 5,3 triệu USD sẽ đến tay nhà khoa học hoặc nhóm nghiên cứu thực hiện công trình từ 5-10 năm.
Trong khi đó, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia dự kiến triển khai một lộ trình tăng tốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho “các nhà nghiên cứu và nhà phát minh quốc tế xuất sắc đến Anh làm việc”. Chương trình sẽ dành cho những ứng viên trúng tuyển 4 triệu USD trong 10 năm để phát triển và mở rộng các giải pháp đột phá về khí hậu.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)