03/04/2025
x
+
aa
-

Tân Trào - Vùng đất lịch sử và những câu chuyện còn vang mãi

Tân Trào không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút du khách bởi những câu chuyện hào hùng.
Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút du khách bởi những câu chuyện hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nơi đây, từng là “Thủ đô kháng chiến”, đã chứng kiến những quyết định mang tính bước ngoặt, thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.

Lán Nà Nưa - Nơi Bác Hồ đưa ra những quyết định lịch sử

Sau 80 năm, đặt chân đến Tân Trào, du khách không khỏi xúc động trước căn lán đơn sơ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc. Lán Nà Nưa, ẩn mình trong rừng sâu, là minh chứng cho tinh thần làm việc không mệt mỏi của Bác trong những ngày tháng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Căn lán nhỏ bé, dựng bằng tre nứa, mái lá cọ đơn sơ, vậy mà từ đây, những chỉ thị, những quyết định lịch sử đã được đưa ra, dẫn dắt cả dân tộc đến thắng lợi.

Lán Nà Nưa là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945

Dù sức khỏe yếu, Người vẫn miệt mài viết tài liệu, chỉ thị và trăn trở về vận mệnh đất nước. Câu chuyện về đêm tháng 8 lịch sử, khi Bác gạt mồ hôi, nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chú Văn ạ, thời cơ đến rồi, không thể chậm trễ. Đất nước sắp giành độc lập, Bác có mệt cũng vui lòng”, đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quyết tâm của vị lãnh tụ vĩ đại.

Ánh đèn dầu leo lét trong đêm tối, tiếng bút sột soạt trên trang giấy và cả những đêm không ngủ của Bác, tất cả tạo nên một bức tranh lịch sử đầy cảm xúc.

Chính tại nơi đây, ngày 13/8/1945, bức thư kêu gọi tổng khởi nghĩa đã ra đời, trở thành lời hiệu triệu toàn dân đứng lên giành chính quyền. Bức thư ấy không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là lời khẳng định ý chí độc lập, tự do của cả một dân tộc.

Đình Tân Trào - Quốc dân Đại hội quyết định vận mệnh đất nước

Đêm trước ngày Quốc dân Đại hội, các đại biểu từ khắp nơi đã vượt qua bao gian khó để tề tựu tại Đình Tân Trào. Những con người từ Cao Bằng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An,... mang theo khát vọng độc lập, đã cùng nhau hội tụ về đây, dưới mái đình cổ kính.

Bác Hồ, dù đang dưỡng bệnh, vẫn ân cần tiếp đón và động viên: "Đây là thời cơ ngàn năm có một. Chúng ta nhất định phải giành độc lập. Lần này, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được tự do". Lời nói ấy, như ngọn lửa, thắp sáng niềm tin và quyết tâm trong lòng mỗi đại biểu.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội diễn ra, quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) và nhất trí Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khoảnh khắc lịch sử khi các đại biểu đồng lòng hô vang “Độc lập hay là chết!” đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ. Tiếng hô vang dội cả núi rừng, thể hiện ý chí sắt đá của toàn dân tộc, quyết tâm giành lại độc lập, tự do.

Cây đa Tân Trào - Chứng nhân lịch sử

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1, thúc giục quân đội tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Cây đa cổ thụ, với những cành lá xum xuê, như một chứng nhân lịch sử, đã chứng kiến khoảnh khắc hào hùng ấy.

Những người chiến sĩ trẻ tuổi, với ánh mắt kiên định, đã lên đường, mang theo niềm tin và quyết tâm của cả dân tộc. Họ hiểu rằng, con đường phía trước đầy gian nan, thử thách nhưng không gì có thể ngăn cản họ tiến bước.

Tám thập kỷ trôi qua, cây đa Tân Trào vẫn sừng sững, chứng kiến bao sự kiện lịch sử trọng đại. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội,... được tổ chức dưới gốc đa, như một lời nhắc nhở về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của cha ông.

Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa

Cây đa Tân Trào được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1975, đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình tìm về cội nguồn của mỗi người dân Việt Nam. Đến đây, mỗi người đều cảm nhận được không khí thiêng liêng, hào hùng của lịch sử và thêm trân trọng những giá trị mà cha ông đã để lại.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Tuyên Quang xuất bản số đầu tiên, tôi đến đây không chỉ được sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng mà còn cảm nhận được tinh thần quyết tâm, ý chí vươn lên của vùng đất cách mạng. Tân Trào không chỉ là một địa danh lịch sử, mà còn là một biểu tượng, một nguồn cảm hứng cho những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.

An Thuận

Other news

Dân ca Hậu Giang thể hiện những nét đặc thù 
Cách đây khoảng 10 năm, chúng tôi thực hiện chuyên đề Hò Cần Thơ, trước khi điệu hò này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi chúng tôi liên hệ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để phỏng vấn, ông vui vẻ nhận lời:
Tập thơ Nở thêm một cánh chuồn chuồn: Hồi sinh trong sắc màu dân tộc
Nhà thơ Trần Đức Tín (bút danh Khét) vừa xuất bản tập thơ thứ 5, có tên là Nở thêm một cánh chuồn chuồn.
“Việt Nam y ký” đậm tình người 
NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt sách “Việt Nam y ký” của tác giả, bác sĩ Trương Vũ Tu, do dịch giả Nguyễn Phúc An chuyển ngữ. Tác phẩm không chỉ chuyển tải những câu chuyện thực về tinh thần bảo vệ bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ khi COVID-19 bùng phát toàn cầu,
“Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam” 
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ðó là nội dung trong bức điện mật lịch sử được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký gửi đi vào ngày 7-4-1975.
Những mùa diều trong ký ức
Tôi lang thang trên bờ đê trong buổi chiều lộng gió. Những tia nắng còn sót lại như trôi trên mặt nước dềnh dàng khói tỏa, mấy con chuồn chuồn ngẩn ngơ soi bóng mình trong nước...
Top