21/11/2024
x
+
aa
-

Thăm Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang

Chúng tôi có dịp trở lại Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang, huyện Trà Cú. Đây là làng nghề truyền thống khá lâu đời của đồng bào Khmer, chuyên sản xuất dụng cụ dùng trong sinh hoạt gia đình như giường, thang, bàn, ghế từ nguyên liệu tre, tầm vông, trúc.
Chúng tôi có dịp trở lại Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang, huyện Trà Cú. Đây là làng nghề truyền thống khá lâu đời của đồng bào Khmer, chuyên sản xuất dụng cụ dùng trong sinh hoạt gia đình như giường, thang, bàn, ghế từ nguyên liệu tre, tầm vông, trúc.

 

Công nhân của cơ sở Trì Cảnh thực hiện đánh bóng sản phẩm salon chế tác từ bộ gốc tre già, trước khi phun PU.

 

Từ những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ truyền thống kết hợp với thiết bị máy móc tiên tiến đã tạo ra sản phẩm đa dạng, mẫu mã ngày càng được cải tiến, tăng cao tính thẩm mỹ, chất lượng trong từng sản phẩm trước khi được đưa đến người sử dụng.

Hiện nay, Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang tập trung chủ yếu ở ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C. Hàng năm thu hút trên 1.284 lao động tham gia vào các khâu: thu mua, chặt, vận chuyển vật liệu (tre, trúc, tầm vông); sơ chế và xử lý vật liệu thô trước khi đưa vào chế tác, sản xuất… Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho lao động nông nhàn ở địa phương.

Đồng chí Kim Tha, Chủ tịch UBND xã Hàm Giang cho biết: năm 2023, tình hình sản xuất của làng nghề tương đối khả quan, đầu ra của sản phẩm chủ yếu được các hộ tự tìm nguồn tiêu thụ và bán sản phẩm ra các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và các huyện, thị trong tỉnh. Do sản phẩm của làng nghề chủ yếu là phục vụ trong sinh hoạt gia đình, giá trị mang lại thấp… từ đó, thu nhập của các hộ trong làng nghề không cao. Hiện chỉ có một số sản phẩm của Cơ sở sản xuất Trì Cảnh (ấp Trà Tro B) như bộ salon tre, salon tre chạm khắc… có giá trị cao từ vài triệu đến trên chục triệu đồng/bộ sản phẩm.

Làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer xã Hàm Giang đang từng bước phát triển theo hình thức tổ hợp tác, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong các khâu sản xuất. Năm 2022, xã Hàm Giang đã thành lập và duy trì được 22 tổ hợp tác với 642 thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm chế tác từ tre, tầm vong, trúc với 61.255 sản phẩm, đạt doanh thu hơn 12,25 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho mỗi gia đình trên 4,45 tỷ đồng.

Chị Thạch Thị Sa Pha, ấp Trà Tro A, xã Hàm Giang cho biết: gia đình có hơn 30 năm làm nghề truyền thống đóng giường, thang bằng nguyên liệu tre, tầm vông. Từ năm 2022 và đầu năm 2023, nghề đóng các sản phẩm truyền thống đã dần hồi phục và thị trường tiêu thụ cũng khá mạnh.

Hiện nay, do nguồn vốn đầu tư khá lớn (20 triệu đồng/chuyến) nên gia đình phải bán hết chuyến hàng rồi mới mua nguyên liệu và về thuê thợ đóng tiếp sản phẩm. Mỗi lần gia đình đóng xong sản phẩm (khoảng 10 giường tre loại lớn (1,4x1,9m) và nhỏ (1,2x1,8m) + 05 thang tre) sẽ chở bằng xe cẩm lô     (xe bò) kéo đi bán ở tận  Bình Tân, Trà Ôn… tỉnh  Vĩnh Long; từ 07-10 ngày/chuyến bán, sau khi bán hết sản phẩm mới về nhà lấy hàng chở đi bán tiếp. Mỗi chuyến lợi nhuận khoảng 02 triệu đồng.

Còn tại Cơ sở sản xuất Trì Cảnh (ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang), những năm qua được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện trong đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất đóng ghế, salon bằng tre theo hướng quy mô lớn. Cở sở giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 05 - 06 lao động, lúc đông ken khoảng trên 15 lao động. Hiện thu nhập bình quân của các thợ làm việc tại cơ sở Trì Cảnh dao động từ 06 - 09 triệu đồng/tháng.

Theo anh Trì Cảnh, chủ Cơ sở sản xuất Trì Cảnh: hiện nay, các giai đoạn cắt, đục, làm mọng… đối với nguyên liệu tre, tầm vông đều được người thợ sử dụng máy. Năm 2022 đến nay, cơ sở cho ra mắt thêm sản phẩm salon tre được tạo tác bằng nguyên liệu gốc của cây tre lâu năm, theo hình dạng uốn lượn như bộ ghế salon hiện đại ngày nay, có giá bán từ 15 - 16 triệu đồng/bộ. Cơ sở còn tham gia đi làm, chế tác sản phẩm ở các địa phương trong tỉnh (Tiểu Cần, Cầu Kè) và ngoài tỉnh (Đồng Nai, Long An).

Cũng theo đồng chí Kim Tha, Làng nghề tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất từ các nguyên liệu tre, tầm vông, trúc… và nguồn tiêu thụ các sản phẩm ở làng nghề chủ yếu do người làm tự đưa sản phẩm đi bán; chưa có đầu mối liên kết để tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Để tạo điều kiện đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, ổn định trong sản xuất; địa phương cũng đang tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ trong làng nghề tham gia vào các mô hình tổ hợp tác để cùng hỗ trợ phát triển.

Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ thành viên trong làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và đăng ký mới các sản phẩm OCOP (hiện làng nghề có 01 sản phẩm là bộ salon tre thu nhỏ đạt chứng nhận OCOP 4 sao); phối hợp với các ban ngành tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường… để tạo đầu ra cho sản phẩm của làng nghề có tính ổn định; hỗ trợ vốn; đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động tại địa phương.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Top