01/07/2025
x
+
aa
-

Tháng 6, dấu ấn không thể nào quên ở Hậu Giang 

Người được đề cử giải Oscar nổi tiếng với chương trình truyền hình “Tìm kiếm nước Ý”, Stanley Tucci phát hiện ra rằng, nhiều món ngon đầy bản sắc ở các nhà hàng có nguồn gốc thời trung cổ do nông dân nước Ý tận dụng tối đa những gì còn lại từ nguồn nguyên liệu, thực phẩm - tránh dư thừa - làm ra những món ngon không chỗ nào chê.

Ở Hậu Giang, rất nhiều món ăn làng quê từ thời khẩn hoang cũng đã hiện diện trong nhà hàng với những sắc màu tự nhiên, lấp lánh giá trị món ngon vật lạ, lung linh sắc màu “Mỗi làng - một sản phẩm (OCOP)...”.

Điểm tương đồng giữa những làng quê nước Ý và nơi chúng ta đang sống là những câu chuyện sống động vượt thời gian.

Tiến Thơ là nhà hàng chuyên kinh doanh những món tinh hoa dân gian gắn bó phong tục, tập quán, lễ giáo và sự tinh tế trong lúc nông nhàn… Từ kho tàng bánh dân gian, những chiếc bánh “phu - thê”, sự cách điệu báng tét nhưn thập cẩm - nếp 3 màu nhớ, bánh ngọt nhưn mứt khóm tới lạp xưởng cá thát lát “Nàng Hai”… là bằng chứng sáng tạo từ một người ấp ủ ước mơ làm giàu nguồn tài nguyên bản địa, biến nguồn cảm hứng thành món ngon, tự tin tới mức đi đâu thì đi, cuối cùng khách cũng quẹo tới xứ mình.

Ý tưởng hình thành trạm dừng chân, đón du khách và quảng bá bộ sản phẩm với 100 món ăn mặn - ngọt gần gũi thiên nhiên; đậm chất châu thổ, cốt cách điền dã, tinh tươm hơn với tài nghệ “bếp núc”… chị Võ Thị Thơ tin rằng món ngon dân gian ở đây sẽ làm thực khách nhớ tới vùng đất Tây sông Hậu, hiểu được tấm lòng những người cần mẫn làm ra món ngon đa dạng, xứng đáng mua về làm quà tặng.

Tương tự, chị Võ Thị Phương Trang, đồng sáng lập, cùng phát huy thương hiệu rượu truyền thống Út Tây và dầu xoa bóp UT, gợi nhớ tới dòng kênh huyền thoại Xà No, khai mở cho vùng lúa bát ngát Tây sông Hậu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) - Nguyễn Văn Hòa trao giải quán quân cuộc thi Khởi nghiệp lần thứ IV tỉnh Hậu Giang cho chị Võ Thị Phương Trang, Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây.

Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ IV tỉnh Hậu Giang, được khắc họa bởi những câu chuyện gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lồng ghép OCOP - chung kết ngày 18-6-2025 - có ý nghĩa thúc đẩy các chủ thể vươn lên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bắt đầu từ những câu chuyện tự kể nhiều cung bậc cảm xúc. Chị Phương Trang đã đạt giải Quán quân cuộc thi với câu chuyện của hậu duệ lớp người khẩn hoang, cất rượu và điều chế phương thuốc gia truyền thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe (xương khớp) - một cách kết nối tinh hoa gia đình và nhu cầu xã hội, hình ảnh tăng tính biểu tượng nơi mình đang sống với những khách hàng ở khắp nơi.

Câu chuyện của Út Tây là hành trình của một cơ sở siêu nhỏ, gắng sức khắc họa dấu ấn thương hiệu, chắt chiu niềm vui, gạn lọc nỗi lo rất thật, đan xen những cảm xúc sâu lắng, chân nguyên gắn bó dòng sản phẩm chân truyền và sáng tạo thích ứng với những quy định kiểm soát độ cồn. Tận dụng gạo tấm trong quá trình chế biến gạo vùng Tây sông Hậu, vợ chồng Út Tây (Quang Anh - Phương Trang) đã ứng dụng kỹ thuật tách các chất bất lợi ra khỏi rượu và tự nghiên cứu, thực hành cách làm thành nhiều dòng rượu “ngất ngây tình bằng hữu”. Cũng từ đó, rượu và công thức chữa lành chấn thương từ lò võ gia truyền đã tạo ra sản phẩm mới giảm nhẹ đau đớn do chấn thương, xương khớp.

Tới nay, cơ sở Út Tây có 7 dòng sản phẩm, gồm: Rượu (nhiều dòng rượu bổ khác nhau) và dầu xoa bóp thảo dược UT (2 loại). Trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu ĐBSCL. Ngày 17-1-2025 rượu Lão Tửu đông trùng hạ thảo Út Tây và Snor’s wine đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Có khi chỉ là một cuộc gọi đặt hàng gấp gáp - “Gởi lẹ…”, dù chỉ một thùng, xa gần 200 cây số hay hơn nữa, nhưng đó là niềm vui - cho thấy lòng tin thân chủ, cho thấy ý nghĩa lực đẩy giúp một cơ sở siêu nhỏ kết nối với dòng chảy hàng hóa lớn. Từ đó, sản phẩm từ Hậu Giang đến Sài Gòn, Tây Nguyên, Hà Nội hay một nơi nào đó theo những đơn hàng. “Còn nhiều điều phải làm trong việc rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối truyền thống và đương đại, kết nối xưa và nay, kết nối sản phẩm và cộng đồng hướng tới các khách hàng ở cửa hàng miễn thuế…”, chị Phương Trang nói về “niềm vui nhựa sống” nho nhỏ nhưng là sự động viên rất lớn, thôi thúc ý tưởng làm mới sản phẩm với rượu gia vị và “đặc hiệu S’Nor” pha chế Cocktail trong tương lai.

Dương Hiền, cô gái gốc Bắc sống ở Hậu Giang, bằng cách tiếp cận Trà Khóm “Happy Queen” để minh chứng quyết tâm làm giàu các giá trị bị bỏ quên từ vỏ khóm, đang hăng hái hiện thực hóa ý tưởng chế biến tơ khóm làm túi lọc, ruột khóm làm mứt… dẫn dắt câu chuyện 2.800ha khóm từ vùng đất phèn. Đầu tiên là vùng đất khó mới trồng khóm, về sau là vượt qua thách thức, rào cản để có câu chuyện từ cái khó đi tới hạnh phúc. Thông điệp nhiều cung bậc đó sẽ được viết bởi những người điều hành Hợp tác xã Happy.

Các sinh viên thực tập thuộc Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, ngồi lắng nghe những thông điệp từ Dương Thị Hiền tại cuộc thi, hình dung trà khóm thêm mật ong Trần Nìm (ở Hậu Giang), kết nối compo bánh ngọt nhân khóm của Tiến Thơ… biết đâu nghệ thuật tiếp biến, phối hợp nâng cao khẩu vị sẽ thành bữa tiệc trà, đơn giản, gọn nhẹ nhưng nhớ hoài.

Lớp trẻ đã xuất hiện trong cuộc tuyển chọn 20 bài trong tổng số 140 bài dự thi. Trường An, một trong hai cô gái tuổi mười chín, đôi mươi tự tin nói về một khu du lịch sinh thái của gia đình, gắn với món ngon theo mùa, tận dụng không gian sống là địa bàn xã mở rộng sau sáp nhập địa giới… Tương tự, Tôn Phước Nguyên, trở về Hậu Giang ứng dụng công nghệ IoT và AI, trồng và quảng bá dâu tây chịu nhiệt.

Những ý tưởng mật thiết với mù u của Bé Em, bụp giấm của Hồng Bích, trồng nấm theo cách của Vân Anh, bất ngờ với món chả lụa từ nấm của Thanh Thủy; nuôi ốc bươu đen của Ngọc Hương, nuôi vịt dùng đệm lót sinh học và cách làm đất sạch hay ươm rau mầm gắn với chuỗi sản phẩm theo hướng tiêu dùng xanh của Nguyễn Văn Thẳng… Bức tranh mới với những mảng màu đang hiện hình với ý tưởng cộng sinh từ tài nguyên bản địa kết nối với công nghệ, tận dụng AI, Chat GPT định vị các công thức phối hợp nguyên liệu theo hướng cá tính hóa, xây dựng data khách hàng, truy xuất nguồn gốc - cho thấy nhiều giải pháp tối ưu hóa các hoạt động không chỉ thuận lợi hóa thương mại sản phẩm mà còn có chiều sâu tái tạo môi trường, duy trì và phát triển cộng đồng vi sinh…

Tác phẩm dự thi được hiện thực hóa của anh Nguyễn Văn Thẳng (Nâng cao giá trị vịt xiêm - nuôi vịt với đệm lót sinh học - kết hợp tạo rau mầm).

Có thể mường tượng những tín hiệu tốt từ suy nghĩ được diễn giải mạch lạc, rõ ràng, bám thực tiễn để sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và ý thức tái sinh nguồn lực từ làng mạc, quý trọng sản vật tự nhiên, tỏ rõ mong muốn tạo việc làm, thay đổi và tạo sức sống mới cho nơi mình đang sống… Cuối cùng, lời giải cho những bài toán khó là sử dụng và hài lòng.

Những câu chuyện có thể còn những hạt sạn, những giới hạn trong tính toán tài chính, tầm nhìn thị trường, bao bì nhãn mác thô sơ… nhưng đã hiện lên ý thức, khát vọng -  không có ranh giới tuổi tác, không có rào cản tư duy sáng tạo - trong việc làm giàu giá trị tài nguyên, tìm cách chế biến sâu hơn, hòa nhập vào lĩnh vực phát triển thực phẩm, thực phẩm thay thế và mỹ phẩm.

Cục diện mới đang được chứng minh khi lớp trẻ được học hành đã trở về quê khởi nghiệp lồng ghép vào OCOP bên cạnh lớp người có tí tuổi để kể chuyện xưa và nay. Hy vọng, tương lai sẽ khác.

Không ai nhắc tới GS.TS Morihiko Hiramatshu, người đã khởi xướng và phát triển ý tưởng OVOP (One Village One Product/Nhất thôn - Nhất phẩm) tại tỉnh Oita vào những năm 1979 - sau đó, OVOP lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Và, chúng ta đang học hỏi, ứng dụng từ thầy Morihiko Hiramatshu.

Thái Lan là một trong những quốc gia thành công khi lĩnh hội tinh thần OVOP của GS.TS Morihiko Hiramatshu khi thực hành các nguyên lý tự lực, chủ động sáng tạo trên nền tảng tài nguyên, văn hóa bản địa; hành động địa phương - tư duy toàn cầu; thu hút tài nguyên nhân lực trẻ, được đào tạo tốt về nông thôn tạo việc làm, cải thiện sinh kế, tăng phúc lợi… Chỉ trong 15 năm, từ 2001-2015, Thái Lan đã phát triển 208.860 sản phẩm OTOP và hướng dòng sản phẩm này vươn tới thị trường toàn cầu.

Anh Võ Minh Luân, chuyên viên Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, người kiên trì hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các lớp học nâng cao năng lực tham gia thị trường, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang đã công nhận 363 sản phẩm. Trong đó có 110 sản phẩm 4 sao (chiếm 30,30%); có 250 sản phẩm 3 sao (chiếm 68,87%), 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (0,83%). Với 164 chủ thể tham gia, trong đó 24 công ty (chiếm 14,63%); 46 hợp tác xã (chiếm 28,05%); 94 cơ sở, hộ kinh doanh (chiếm 57,32%).

Hậu Giang có nhiều kinh nghiệm phối hợp sở ngành, xác lập mục tiêu chiến lược, xây dựng cơ cấu sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng và hành động tập trung để tạo chuyển biến trong sáng tạo, đổi mới. Vẫn còn nhiều sản phẩm phải hoàn thiện dù đạt chuẩn 3 sao, nhưng top dẫn đầu đã chủ động nâng cấp, đủ lớn cho những bữa tiệc thịnh soạn gắn với những câu chuyện có gốc tích từ thời khẩn hoang tới tháng 6 năm 2025.

20 câu chuyện được chọn vào vòng thi chung kết trong số 140 câu chuyện nhiều tiềm năng lần này cũng cho thấy phần còn lại cần được giúp sức. Dư địa rất lớn cho những suy nghĩ sáng tạo trong cách ươm tạo, hỗ trợ trong tương lai để không bao lâu nữa sẽ có thêm nhiều chủ thể mới tham gia đội hình năng động, sáng tạo này.

Tháng sáu trời mưa bất chợt… Những thay đổi cực đoan được đề cập trong những câu chuyện OCOP, lo lắng khi con người khai thác vượt khả năng tự chữa lành, tái tạo của tự nhiên… Nhưng cũng từ đó đã lóe lên những giải pháp thân thiện môi trường, có thể chỉ là đóm lửa nhỏ, nhưng Hậu Giang đã xây dựng một đội hình có ý thức kết nối, chia sẻ suy nghĩ, liên kết hài hòa những giá trị khác biệt, nhen nhóm cho ước mơ lớn từ những dự án nhỏ, sẵn sàng kết nối những làng mạc trong không gian mới rộng trên 6.360 cây số vuông, quy mô dân số 4,19 triệu người.

Về nông thôn, lan tỏa ý tưởng mới, thu hút tài nguyên nhân lực địa phương vào việc tạo ra giá trị mới được xem là cách truyền cảm hứng thực tế và cũng là cách hiệu quả trong việc giảm các nhóm di cư về thành thị bỏ lại làng quê.

Ở đó, nguồn nhân lực ấp ủ mong muốn làm giàu hơn nữa nguồn tài nguyên tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa và làm mới câu chuyện kinh tế nông thôn… đã ít nhiều học được bài học sống còn từ chặng đường đã qua và biết cách đi tới.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Other news

Tháng 6, dấu ấn không thể nào quên ở Hậu Giang 
Người được đề cử giải Oscar nổi tiếng với chương trình truyền hình “Tìm kiếm nước Ý”, Stanley Tucci phát hiện ra rằng, nhiều món ngon đầy bản sắc ở các nhà hàng có nguồn gốc thời trung cổ do nông dân nước Ý
Từ 01/7, giảm 50% nhiều loại phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến hết 2026
Thông tư quy định giảm lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước
Vì sao VinFast VF 8 là mẫu xe “nên mua” trong phân khúc SUV 1 tỷ đồng? 
Chỉ với khoảng 900 triệu đồng để lăn bánh một mẫu SUV cỡ D mạnh mẽ, tiết kiệm chi phí và sở hữu nhiều công nghệ cao cấp, VinFast VF 8 được xếp top đầu trong danh sách “nên mua” của người tiêu dùng Việt.
Cập nhật giá xe tải hạng nhẹ đáng mua nhất tại Thế Giới Xe Tải 
Xe tải hạng nhẹ ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nhiên liệu và phù hợp với nhiều nhu cầu vận chuyển trong đô thị. Tại Thế Giới Xe Tải liên tục cập nhật giá bán mới nhất cho các dòng xe tải hạng nhẹ đáng mua nhất, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn phương tiện phù hợp với chi phí tối ưu.
Top 4 tủ chống ẩm máy ảnh 30l được ưa chuộng nhất 
Tủ chống ẩm máy ảnh 30l có kích thước vừa vặn, được nhiều người dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, với nhiều lựa chọn trên thị trường, việc chọn mẫu phù hợp có thể khiến bạn khó khăn. Hãy cùng tham khảo 4 thiết bị chống ẩm bán chạy nhất năm 2024 ngay dưới đây!
Top