10/11/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Thời tiết thất thường, vì sao nhiều người hay đau đầu?

Thời tiết thay đổi mưa, nắng thất thường khiến không ít người gặp phải tình trạng đau đầu. Vậy nguyên nhân do đâu?

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược - cơ sở 3 thăm khám và điều trị cho bệnh nhân bị viêm xoang khi thay đổi thời tiết thất thường - Ảnh: HOÀNG NHÂN

Viêm xoang: Thủ phạm lớn nhất

ThS.BS Lê Ngô Minh Như - phòng khám tai mũi họng - mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược - cơ sở 3 - cho biết viêm xoang hay viêm mũi xoang là tình trạng viêm nhiễm của các xoang cạnh mũi, gây ra bởi vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc do các phản ứng dị ứng.

Các xoang là những hốc rỗng nằm trong xương sọ, được phủ bởi lớp niêm mạc mỏng và liên kết với hốc mũi qua các lỗ thông.

Khi viêm xoang xảy ra, các niêm mạc xoang bị sưng tấy, gây tắc nghẽn các lỗ thông và làm ứ đọng dịch nhầy.

Điều này dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, chảy mũi. Trong đó đau đầu là triệu chứng khá phổ biến mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi.

Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc xoang, gây ra các triệu chứng viêm xoang, bao gồm cả đau đầu.

Cụ thể khi nhiệt độ giảm đột ngột, niêm mạc xoang bị kích thích, dẫn đến sự tăng sản xuất dịch nhầy.

Sự tăng tiết dịch này có thể làm tắc nghẽn các lỗ thông của xoang, gây áp lực lên các xoang và dẫn đến đau đầu, đau có thể lan đến vùng trán, vùng gò má hoặc vùng sau mắt.

Với thời tiết hanh khô, niêm mạc mũi và xoang bị kích thích gây ra tình trạng khó chịu và viêm, khi niêm mạc mũi xoang viêm sẽ nhanh chóng sưng, làm tắc nghẽn hốc xoang và gây ra nghẹt mũi, đau đầu.

Hoặc khi tăng áp suất khí quyển thay đổi dẫn đến sự chênh lệch áp suất giữa các hốc xoang và môi trường bên ngoài, gây cảm giác đau và căng tức các hốc xoang mà gây đau đầu.

Điều trị viêm xoang ra sao khi thay đổi thời tiết?

Bác sĩ Minh Như cho biết thêm điều trị viêm mũi xoang hay đau đầu do viêm xoang đều dựa trên nguyên tắc sử dụng thuốc và biện pháp hỗ trợ để kiểm soát triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng viêm xoang trở nặng.

Đối với tình trạng phải dùng thuốc, người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định một số các loại thuốc có thể dùng điều trị viêm xoang như: thuốc hạ sốt, giảm đau để kiểm soát nhiệt độ và giúp giảm đau. 

Thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn) được khuyến cáo sử dụng nếu viêm xoang do vi khuẩn gây ra. Thời gian sử dụng từ 7-14 ngày tùy mức độ nhiễm khuẩn. Kháng sinh chỉ được kê đơn khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, không dùng cho các trường hợp viêm xoang do vi rút hoặc dị ứng.

Thuốc chống dị ứng: Nên dùng cho bệnh nhân mà dị ứng được xem là yếu tố thuận lợi cho viêm xoang.

Ngoài ra còn có thuốc co mạch tại chỗ và co mạch toàn thân; thuốc corticosteroid tại chỗ (đây là loại thuốc được khuyến cáo cho các trường hợp viêm xoang mạn tính hoặc dị ứng.)

Phương pháp không dùng thuốc:

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là một phương pháp an toàn và hiệu quả để làm sạch hốc xoang, giảm tình trạng ứ đọng dịch nhầy và giúp giảm đau đầu. Rửa mũi 2-3 lần mỗi ngày có thể giúp duy trì sự thông thoáng của mũi và xoang.

Xông hơi bằng hơi nước ấm: Xông hơi với hơi nước ấm giúp làm loãng dịch nhầy trong xoang và mũi, giảm tắc nghẽn và giảm áp lực xoang, từ đó giảm đau đầu. Có thể thêm tinh dầu như khuynh diệp hoặc bạc hà để tăng hiệu quả thông thoáng mũi.

Chườm ấm: Chườm khăn ấm lên vùng trán và mũi giúp làm giảm áp lực trong xoang và giảm đau. Nhiệt từ khăn ấm có thể giúp giãn mạch máu và cải thiện lưu thông máu, từ đó giảm đau đầu.

Trong một số trường hợp viêm xoang mạn tính không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, có thể chỉ định phẫu thuật nội soi chức năng xoang để mở rộng các lỗ thông xoang, loại bỏ các polyp xoang hoặc các mô viêm nhiễm nhằm giảm tắc nghẽn và cải thiện lưu thông không khí trong xoang, từ đó giảm các triệu chứng đau đầu và nghẹt mũi./.

Phòng bệnh viêm xoang gây đau đầu khi thay đổi thời tiết?

Bác sĩ Như khuyến cáo để phòng bệnh xoang gây đau đầu khi thời tiết thay đổi, cần giữ vệ sinh vùng mũi họng, rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn mỗi ngày 1 lần.

Bên cạnh đó tránh tiếp xúc khói bụi, hóa chất, lạnh.

Mang khẩu trang và mặc áo khoác khi ra ngoài; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, thực phẩm cay, béo ngọt, hàn lạnh.

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên.

Lưu ý khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý kèm theo, các yếu tố thuận lợi gây viêm mũi xoang và tuân thủ điều trị bác sĩ (nếu có).

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/thoi-tiet-that-thuong-vi-sao-nhieu-nguoi-hay-dau-dau-20240927113015525.htm?gidzl=C261FRlcNXmyF88wiFzQ6pizZpAh-riGSJc5DVQiMKPwODPkegO8HojbqMRte5bFAsADFJI-zEqHl-1L60

Top