24/01/2025
x
+
aa
-

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành Y tế tỉnh tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch sởi bùng phát có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành Y tế tỉnh Long An tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học,... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm, diễn biến mạnh vào mùa Đông Xuân.

Ngành Y tế đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi

Sởi không chỉ gây sốt, phát ban mà còn có thể biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, màng não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong.

Đối với phụ nữ mang thai, mắc virút sởi cũng như các virút khác như Rubella, thủy đậu,... nhất là mắc vào 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh, dị dạng thai, thai chết lưu, sinh non cùng các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng khác.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng, thời gian qua, Bộ Y tế ban hành công văn về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh sởi.

Tại Long An, công tác phòng, chống bệnh sởi cũng được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 523 ca mắc bệnh sởi (trong đó có 185 ca dương tính, 338 ca lâm sàng).

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng cho biết: Ngành Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, ngành Y tế đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi, rà soát, khẩn trương tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi, sởi-Rubella cho trẻ chưa tiêm đủ mũi. Không bỏ sót các trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi.

Công tác truyền thông được triển khai bằng nhiều hình thức nhằm cung cấp thêm kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống bệnh sởi

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 1 bé trai được 9 tháng tuổi. Hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm, không ai giữ bé nên tôi gởi ở nhóm giữ trẻ gần nhà. Để bảo vệ sức khỏe cho con, tôi đưa con đi tiêm vắc-xin đầy đủ theo lịch, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi để phòng bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm, di chứng lâu dài”.

Cùng với tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần cung cấp thêm kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống bệnh sởi./.

Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Huỳnh Hương

Top