Tốc độ tăng năng suất lao động 3 năm liên tiếp bị “hụt hơi”?
Năng suất lao động - yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đến lúc cần được coi một trong những điểm “nghẽn” của phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi theo báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10 cho thấy, trong 05/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023 thì chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp “hụt hơi”. Nếu như tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021, 2022 lần lượt là 4,6%, 4,8% thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5% thì năm 2023 ước tính tăng 3,77 - 4,76%. Như vậy, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn so với bình quân 3 năm 2016 - 2018 (6,26%).
Dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa: KT) |
Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2030, năng suất lao động phải là động lực tăng trưởng với mức tăng trung bình 6-6,5%/năm.
Nếu so với các nước trong khu vực Châu Á, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất của Singapore, bằng 63,9% của Thái Lan, bằng 94,2% của Philippines, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% so với Trung Quốc.
Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ rõ năng suất lao động của nước ta thấp là do: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Năng suất lao động tăng thấp cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ theo chiều rộng (tận dụng nguồn lao động giá rẻ) sang tăng trưởng theo chiều sâu (tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo) còn chậm và cần quan tâm thúc đẩy hơn trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế” khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.
Hẳn nhiên, Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất lao động bởi những kết quả những năm gần đây vẫn cách xa so với mục tiêu đã nêu. Song đây đúng là việc rất khó, không thể ngày một, ngày hai có thể tăng năng suất lao động ngay được. Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao, Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...), tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai... Việc ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là chính sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Trong khi đó, ILO đề nghị nghiên cứu triển khai cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động; giúp nâng cao trình độ, tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm. Để hoà nhịp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động. Phải coi nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Suy cho cùng, để “cạnh tranh sòng phẳng” với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, chúng ta phải cạnh tranh bằng năng suất lao động vượt trội./.